Tinh xảo và cuốn hút

Xã hội - Ngày đăng : 08:06, 09/03/2013

(HNM) - Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, bộ sưu tập

Với không ít người Nhật Bản, búp bê là một phần cuộc sống hằng ngày. Từ chúng, người ta có thể thấy được một phần của tập tục văn hóa, nguyện vọng của người dân, quan niệm về tín ngưỡng hình thành qua nhiều thế kỷ. Bởi vậy, 250 búp bê trưng bày trong triển lãm không chỉ đem lại sự thích thú cho các bé gái mà còn là cơ hội tìm hiểu văn hóa và con người Nhật Bản nói chung.



Búp bê truyền thống Nhật Bản có nhiều nhóm khác nhau. Người ta phân nhóm dựa trên kỹ năng, vật liệu được sử dụng để làm ra chúng hoặc theo chủ đề và hình dạng của búp bê. Tại triển lãm đang diễn ra tại Hà Nội, đa số búp bê được chọn mang phong cách Kimekomi (bọc vải vào gỗ).

Phần trưng bày phong phú nhất diễn ra ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với hơn 200 búp bê. Ở trung tâm là những búp bê Edo - Kimekomi được làm hoàn toàn bằng tay. Loại búp bê này xuất phát từ thành phố Kyoto vào thế kỷ XVII, làm bằng gỗ liễu cuốn lụa hoặc gấm. Theo lời nghệ nhân Sathiei Itoh, Chủ tịch Hội búp bê Edo - Kimekomi truyền thống Sachiei-kai, phải mất khoảng 2 năm mới hoàn thiện xong một búp bê loại này. Trong đó mỗi nghệ nhân sẽ đảm nhiệm một bộ phận: Đẽo dáng, vẽ mặt, làm thân, quần áo… Hiện nay, số người làm búp bê truyền thống Kimekomi ngày càng ít đi và bởi thế, sản phẩm không nhiều. Các nghệ nhân được tập trung trong một vài hội và làm búp bê để lưu giữ nghề, truyền lại cho thế hệ sau, quảng bá giá trị truyền thống của Nhật Bản chứ không còn làm để bán như trước nữa. Búp bê Kimekomi trở nên khó tìm ngay cả ở Nhật Bản.

Nhưng búp bê Kimekomi không chỉ giá trị vì hiếm. Về mặt nghệ thuật, mỗi búp bê đem đến cho người xem cảm nhận giá trị. Từng nét vẽ, từng sợi tóc, dáng điệu hay trang phục búp bê đều toát lên sự tỉ mỉ, tinh xảo, mang dáng vẻ đặc trưng Nhật Bản. Tại triển lãm, giữa vô số búp bê, người xem như được hòa mình trong lễ hội của người Nhật từ 400 năm trước. Có những bộ búp bê được sử dụng trong Lễ hội bé gái Hina Matsuri và cả búp bê võ sĩ thường được các gia đình bày trong Lễ hội bé trai, cho thấy sự trân trọng, yêu thương trẻ nhỏ của người dân nước này. Sự thú vị nằm ở bộ sưu tập búp bê mang gương mặt chuột, được sắp đặt nhằm thể hiện không khí đón tết cổ truyền. Cả gia đình chuột đoàn tụ, cùng nhau làm bánh. Nhà cửa và các vật dụng, cây cối đều được làm từ những chiếc bánh nhiều màu sắc. Theo nghệ nhân Sathiei Itoh - người làm ra chúng, bộ búp bê này thể hiện ước nguyện về một gia đình đông con cháu, hòa thuận, hạnh phúc…

Bên cạnh bộ sưu tập búp bê, Hiệp hội Trao đổi văn hóa Kimono Nhật Bản còn đem đến Hà Nội 10 bộ Kimono truyền thống được thực hiện rất cầu kỳ, tinh xảo. Nhà tổ chức mở ra cơ hội cho khách tham quan tiếp cận thứ trang phục truyền thống nay đã nổi danh khắp thế giới. Khách có thể mặc thử và cũng sẽ được hướng dẫn gấp giấy Origami, chơi trò chơi truyền thống và được 12 nghệ nhân làm búp bê Kimekomi hướng dẫn cách tạo ra một búp bê.

Trong không gian nhỏ hơn tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, có 40 búp bê được trưng bày. Đó hầu hết là búp bê mặc Kimono, mô tả các nhân vật trong nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Nhật Bản như kịch Noh, Kabuki…

Năm 2005, Hội Búp bê Edo - Kimekomi truyền thống Sachiei-kai đã có triển lãm tương tự tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, gây ấn tượng mạnh với người xem. Năm nay, phần trưng bày được giới thiệu đến hết 31-3.

An Nhi