Từ Sakon Nakhon nhớ về Tổ quốc!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:50, 09/03/2013
Lễ ra mắt Hội Việt kiều toàn Thái tại tỉnh Sakon Nakhon. |
Bà con diện những bộ quần áo đẹp nhất, trang trọng nhất, nữ áo dài, nam complet sang trọng… rủ nhau cùng đi đón các ông Sứ. Chị Nguyễn Thị Bé, Phó Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Sakon Nakhon cho biết: "Bà con Việt kiều ở Thái trân trọng, quý mến, tin tưởng "các ông Sứ", vì vậy việc tổ chức đón tiếp "các ông Sứ" chính là thể hiện tấm lòng hướng về đất nước của bà con.
Anh Tý, chị Duyên ở Sakon Nakhon kể lại rằng, cứ mỗi lần về Băng Cốc, sau khi giao hàng cho các đại lý, anh chị lại ghé vào thăm Sứ quán. Anh Tý nói: "Các anh chị ở Sứ quán hiền lắm, lại rất nhiệt tình, nên cứ mỗi lần đến Sứ quán không chỉ riêng anh chị mà bà con Việt kiều nói chung đều có cảm tưởng như được về nhà".
Chính trong chuyến đi này, chúng tôi được chứng kiến lễ ra mắt chính thức Hội Việt kiều toàn Thái với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ ngoại giao nước ta Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Ngô Đức Thắng, đại diện chính phủ Thái Lan, Tỉnh trưởng tỉnh Sakon Nakhon, ông Bunsung và đại diện các ban, ngành liên quan của tỉnh Sakon Nakhon, nơi đặt trụ sở Tổng hội người Việt Nam toàn Thái Lan.
Gia đình Việt kiều Phạm Văn Phúc - Trần Thị Chung. |
Theo bà con Việt kiều, sau gần 100 năm sinh sống trên đất Thái, đây là lần đầu Hội Việt kiều chính thức được Nhà nước Thái Lan công nhận. Cả một con đường rộng, dài Sakkasem ở Sakon Nakhon được treo cờ, kết hoa. Hàng vạn bà con Việt kiều từ U Đon đến Khon Kèn, từ Noọng Khai đến Nakhon Phanom, cùng đông đảo bà con sinh sống, làm ăn ở Băng Cốc đổ về Sakon Nakhon dự lễ. Bà Từ Thị Hạ tuy tuổi cao, sức yếu cũng yêu cầu các con đẩy xe lăn đưa đến dự lễ. Bà nói: "Là lớp người đầu tiên đến đất Thái sinh sống, tôi thấm thía cuộc sống nơi đất khách quê người. Đến nay, Hội Việt kiều được chính quyền Thái công nhận, chúng tôi rất vui".
Trong một chuyến đi khác, tôi có may mắn gặp lại nhiều người quen trong chuyến đi Sakon Nakhon trước đây. Anh chị Hòa - Hương, chủ cửa hàng bán giày dép; anh chị Thuận - Oanh, chủ tiệm vàng; anh chị Việt - Lạc; các em Hoa - Cường; Phúc - Chung; An - Sắc… Ơn trời, mọi nhà đều ăn nên làm ra, nhà nào cũng có xe hơi, con cái học hành tử tế, làm ăn chăm chỉ… Anh chị Thuận khoe, vừa tạo dựng cho ba đứa con 3 cửa hàng ngay tại phố chợ. Hai đứa kinh doanh vàng, một kinh doanh đồng hồ… Các em Hoa - Cường cho biết mới xây lại nhà, rộng rãi, khang trang, việc buôn bán đủ sống, việc làm không hết… đặc biệt, vừa có thêm một trang trại đang được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, dành cho những ngày nghỉ cuối tuần của gia đình. Riêng doanh nghiệp của anh chị Tý - Duyên đến nay không chỉ nổi tiếng ở Sakon Nakhon với các sản phẩm dệt may mang thương hiệu TDS mà còn có uy tín với các đại lý, bạn hàng tại các chợ và trung tâm thương mại lớn ở Băng Cốc như Pratunam, Bo be… nơi mà bất cứ du khách nào đến Thái Lan đều không thể không ghé vào.
Những ngày ở Sakon Nakhon, chúng tôi không chỉ nghe và thăm nhiều gia đình Việt kiều làm ăn phát đạt, giàu có mà còn được biết nhiều gia đình đã chắt chiu, tần tảo, chịu thương, chịu khó làm ăn, nuôi con học hành thành đạt. Đây chính là niềm tự hào, hãnh diện nhất của bà con Việt kiều ta. Hiện nay, đi đến đâu ở Sakon Nakhon, U đon, Noọng Khai hay Phù Khẹt, mọi người đều lan truyền câu chuyện "3 phải" của gia đình anh chị Phạm Văn Phúc - Trần Thị Chung, có cả ba đứa con cùng vào đại học y. Phấn khởi, tự hào, anh Phạm Văn Phúc kể lại: "Em có một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở trung tâm chợ. Mấy chục năm qua, gia đình em chỉ trông vào đó để sinh sống, nuôi con. May cho em, cả ba đứa con trai, thằng Phớt (Đức), thằng Phen, thằng Phít, đều ngoan và ham học. Chúng em cố gắng không quản vất vả, nắng mưa, thức khuya dậy sớm, dành hết sự thuận lợi cho các con và các con cũng không phụ lòng cha mẹ. Đến ngày thằng Phớt đi thi vào đại học y ở Khỏn Kèn, cả nhà hồi hộp, lo âu… nhưng rồi ông trời có mắt… Vậy mà khi báo tin vui con trai đỗ đại học y (khoa ngoại), ai cũng một câu: - Phải không? Họ không tin. Vì xưa nay có mấy con Việt kiều học đến đại học đâu, lớn lắm, cao lắm… Thế rồi đứa thứ hai, thằng Phen lại thi đỗ đại học y (chuyên ngành nha khoa). - Phải à! Vẫn chưa thật tin. Đến thằng Phít thi đỗ vào đại học y (chuyên ngành dược) thì: - Phải đấy. Thế là mọi người đã tin cả ba đứa con trai nhà Phúc - Chung đều vào đại học, mà đại học y đấy nhé. Chuyện con em Việt kiều ở Thái Lan giờ đây học đến đại học không còn là những chuyện lạ nữa".
Xung quanh chuyện Việt kiều Thái hướng về Tổ quốc, có nhiều chuyện để nói và cũng đã nói nhiều rồi, nhưng cứ mỗi khi trở lại đất Thái, đặc biệt là về Nakhon Phanom ở Đông bắc Thái Lan, nơi Bác Hồ từng sinh sống và hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929, không ai có thể cầm lòng. Mẹ con chị Phạm Thị Hoa cùng chúng tôi đến thăm lại nơi Bác Hồ dừng chân trên đất Thái. Chị cho biết, trước đây kinh tế còn khó khăn, việc đi lại ở Thái cũng không thuận lợi nên việc đến Nakhon Phanom còn ít. Nay nhà có xe hơi, đường xá thuận lợi, nên hàng tuần, chỉ mất hơn một giờ xe chạy, gia đình tôi đã có thể đến thăm nhà Bác Hồ rồi. Dù đã đến nhiều lần nhưng cứ mỗi lần đến là tôi có cảm giác như đã được về Việt Nam cho dù tôi chưa một lần được về đất Tổ.
Ông Võ Trọng Minh, con cụ Võ Trọng Tiêu (mới qua đời), thay cha làm người quản lý nhà, tiếp chúng tôi thân tình ngay trong ngôi nhà Bác Hồ đã từng ở. Ông nói: "Giờ đây, ngày càng đông đảo bà con Việt kiều và du khách Việt Nam đến thăm khu di tích Bác Hồ, thắp nén nhang để tưởng nhớ Bác".
Bà con Việt kiều sinh sống, làm ăn ở Sakon Nakhon nói riêng, ở Thái Lan nói chung, từ bao đời nay nhưng lúc nào cũng hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu, hướng về Bác với tấm lòng biết ơn sâu sắc như thế.