Cơ chế quản lý và thái độ thực thi
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:56, 09/03/2013
Chỉ hơn một tuần trước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã có Công văn chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn TNGT. Cũng vừa mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động về bảo đảm trật tự ATGT, nhưng xem ra thảm họa cướp đi sinh mạng của nhiều người nhất này vẫn chưa có tín hiệu dừng lại. Chỉ hai tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 5.636 vụ TNGT, làm chết 1.973 người, bị thương 5.794 người. So với cùng kỳ năm 2012, tăng 298 người chết (+17,79%).
Vấn đề đặt ra là, tính từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã phải có tới 3 văn bản nhắc nhở các cấp tăng cường bảo đảm ATGT. Nhưng dường như trên nói cứ nói, dưới làm hay không là cả vấn đề. Cũng có thể các địa phương hiện đang còn phải tất bật với những phần việc khác, dù tính cấp thiết có thấp hơn.
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao quanh chuyện cơ quan quản lý sẽ ra quân kiểm tra việc sản xuất, buôn bán và sử dụng mũ bảo hiểm rởm. Phải khẳng định rằng việc bảo đảm an toàn cho người đi xe máy thật đáng khuyến khích. Thế nhưng nó lại chưa nhận được sự đồng tình của người dân, cũng bởi chính sách chưa sát thực nhất là với việc xử phạt người sử dụng mũ. Tức là ở khía cạnh nào đó, một công việc dù chưa được chuẩn bị kỹ, chưa được nghiên cứu thấu đáo, nhưng các cơ quan quản lý lại "quyết liệt" và "rất quyết tâm" thực hiện. Song, với các vụ tai nạn thảm khốc liên tục xảy ra trên các tuyến quốc lộ có vẻ như chưa làm "động lòng" nhiều người quản lý. Đặc biệt là ở các địa phương có nhiều “điểm đen” tai nạn. Những cuộc ra quân, những động thái quyết liệt xử lý xe khách sai phạm chở quá số người, xe phóng nhanh vượt ẩu, xe chất lượng kém dường như ít thấy, hoặc được chăng hay chớ… dù mức độ cần kíp hơn cả việc xử phạt người đội mũ rởm.
Còn nhớ cách đây chừng hai năm, Hà Nội đã thực hiện một đợt kiểm tra lưu động chất lượng xe khách tại các bến xe, phát hiện không ít những sai phạm về chất lượng, nhiều xe không bảo đảm quy chuẩn đã bị tạm giữ giấy tờ và buộc mang xe đi bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định lại. Một đợt ra quân nhỏ nhưng hiệu quả không nhỏ. Người dân mong mỏi chúng sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. Nhưng tiếc là những "chiến dịch" như thế còn ít quá.
ATGT không là trách nhiệm của riêng ai, riêng ngành nào mà của toàn dân, toàn xã hội. Nhưng ATGT có tốt hay không chắc chắn bắt đầu từ cơ chế quản lý và thái độ thực thi của cơ quan chức năng. Cùng với tinh thần trách nhiệm triệt để và biết việc nào làm trước, việc nào làm sau, cái nào làm vào một thời điểm nhất định, cái nào cần phải làm lâu dài… Trên tinh thần ấy, việc đẩy lùi TNGT hoàn toàn có thể làm được nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc, bài bản và hợp lý các giải pháp từ trung ương đến cơ sở. Nếu không xử lý quyết liệt, để xảy ra tai nạn, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cơ quan chức năng.