Nối quá khứ với hiện tại

Du lịch - Ngày đăng : 07:15, 08/03/2013

(HNM) - Tổng cục Du lịch đang xây dựng đề án "Chương trình du lịch thăm chiến trường xưa". Ngoài ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, loại hình du lịch này còn được xem như "trường học" thực tiễn về truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.

Khách tham quan khu du tích lịch sử Tân Trào.

Văn hóa dựng nước

Chiến tranh lùi về quá khứ để lại trên mảnh đất hình chữ S một hệ thống di tích chiến tranh độc đáo và đồ sộ. Trong đó, phải kể đến những di tích có giá trị đặc biệt đối với hoạt động du lịch hồi tưởng, hoài niệm như khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang); địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị - sông Thạch Hãn, đường 9 - Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, đảo Cồn Cỏ, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị); ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh); hệ thống nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Phó Giám đốc Ban tiếp thị - truyền thông, Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Minh Mẫn nhận xét, vào những ngày lễ lớn của đất nước như Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4, Quốc khánh 2-9… những tour "hoài niệm về chiến trường xưa", "về chiến trường xưa thăm đồng đội" rất hút khách. Các cựu chiến binh, thân nhân, bạn bè của những người đang sống và đã hy sinh; lớp trẻ muốn tham quan, học hỏi, tri ân công lao của cha anh; những người nước ngoài yêu hòa bình, nhà nghiên cứu lịch sử muốn đến Việt Nam để thăm, trải nghiệm và suy ngẫm về một thời chiến tranh là khách hàng của những tour loại này. "Việc triển khai chương trình du lịch hoài niệm đã tạo dựng môi trường tốt để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Ngoài ra, nó cũng sẽ góp phần thu hút cộng đồng tham gia giữ gìn và bảo tồn những giá trị lịch sử vô giá của hệ thống các di tích chiến tranh và khai thác những giá trị đó thông qua hoạt động du lịch để phát triển", ông Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh.

Hiện nay, chương trình du lịch hoài niệm về thăm chiến trường xưa đã mang lại những kết quả khả quan, được nhiều địa phương khai thác như một thế mạnh đặc trưng và hấp dẫn. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, ở những nơi có tiềm năng phát triển loại hình du lịch này, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh, bước đầu thu hút không nhỏ khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tập thể khi trở lại chiến trường xưa đã có những đóng góp tích cực về vật chất và tinh thần cho những nơi này. Nhiều hoạt động như xây dựng bia mộ, nhà tưởng niệm, đền, đài… cùng những quyết định đầu tư, tham gia xóa đói giảm nghèo đã được triển khai có hiệu quả ở các tỉnh Bắc Trung bộ, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Nhờ đó, hệ thống di tích được đầu tư tôn tạo, nâng cấp, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện, các dịch vụ phụ trợ cũng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Thông điệp từ quá khứ

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch hoài niệm giúp cho mọi người sống tốt hơn, thân thiện hơn trong một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này là vô cùng cần thiết. Thế nhưng, có bài toán đặt ra là: "Phải làm thế nào để khi du khách đến là muốn ở, mà đã ở là phải ở lâu hơn và đã đi là phải hẹn ngày trở lại?".

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, ghi nhận từ tình hình thực tế khi tổ chức tour hoài niệm, trở lại chiến trường xưa… cho thấy, nhu cầu của du khách đối với loại hình du lịch này rất lớn, đối tượng đa dạng, không chỉ là những người đã từng tham chiến ở đây. Đã có nhu cầu đương nhiên xuất hiện các tour, tuyến và chương trình du lịch trở lại chiến trường xưa. Nhưng so với những loại hình du lịch khác, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành không mặn mà "đào sâu" khai thác dòng sản phẩm du lịch này. Họ chỉ tổ chức tour khi được đặt hàng, chứ chưa xây dựng thành dòng sản phẩm chính. Nguyên nhân chủ yếu là cơ sở vật chất của các địa phương còn kém, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm du lịch nghèo nàn, nhân lực chưa chuyên nghiệp, thuyết minh viên chưa hiểu biết sâu sắc về giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm… Bên cạnh đó, việc phân loại thị trường du lịch, liên kết, xây dựng chương trình tour... của các doanh nghiệp, địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, không trùng lắp cũng chưa tốt.

Đề án mà Tổng cục Du lịch sẽ nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện nhằm khai thác tốt hơn hệ thống di tích lịch sử nằm dọc chiều dài đất nước để khắc phục những điểm yếu trên. Để đề án mang tính khả thi và đem lại hiệu quả thực tế, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức khảo sát thực tế, bàn bạc với các địa phương đưa ra những sản phẩm du lịch có tính độc đáo và bền vững, trước mắt, tập trung vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Mỹ tại một số địa phương có hệ thống di tích chiến tranh nổi bật như Điện Biên, Quảng Trị, Quảng Nam - Quảng Ngãi, Tây Ninh... 

Xuân Lộc