Bán đảo Triều Tiên: Căng thẳng leo thang từng giờ
Thế giới - Ngày đăng : 05:57, 08/03/2013
Thời điểm bỏ phiếu thông qua chưa được tiết lộ; song dự thảo mới nhất do Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice gửi tới 14 nước ủy viên HĐBA khẳng định sẽ tăng áp lực trừng phạt của LHQ với Triều Tiên lên mức độ cao nhất từ trước tới nay.
Triều Tiên đang mở rộng bãi phóng tên lửa Tonghae, thay đổi hình dáng các đầu đạn để nâng cao độ chính xác của tên lửa. |
So với Nghị quyết số 2087, dự thảo nghị quyết mới do Mỹ đề xuất được mở rộng quy mô trên hầu hết các lĩnh vực từ thương mại, tài chính, vận chuyển đến ngoại giao... Trong đó bổ sung thêm 3 cá nhân và 2 tập đoàn của Triều Tiên vào danh sách chịu lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại, đưa danh sách trừng phạt lên con số 17 công ty và 9 cá nhân. Dự thảo nghị quyết mới còn buộc các quốc gia và cá nhân phải ngừng toàn bộ giao dịch tài chính liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên; khám xét các tàu thuyền đáng nghi; tăng cường giám sát các nhà ngoại giao Triều Tiên; đồng thời nhấn mạnh các thành viên LHQ phải từ chối không để không phận thuộc chủ quyền quốc gia cho các máy bay nghi ngờ chuyên chở vật liệu cấm tới Triều Tiên. Đặc biệt, lần đầu tiên HĐBA đưa vào dự thảo nghị quyết nội dung "chương trình làm giàu urani" của Triều Tiên khi kèm theo lệnh cấm nước này có các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa liên quan urani.
Dự thảo nghị quyết mới được bàn thảo dưới sự chủ trì của Nga - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên triệu tập - đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ các thành viên HĐBA LHQ, trong đó có Trung Quốc, một đồng minh gần gũi của Bình Nhưỡng. Không chỉ lên tiếng ủng hộ quyết định trừng phạt mới của HĐBA, phản đối hành động thử hạt nhân của Triều Tiên khi kêu gọi cộng đồng quốc tế phải sớm có hành động chấm dứt chương trình nguy hiểm này, Trung Quốc còn nhất trí với đề xuất quan trọng của Mỹ trong dự thảo mới cho phép quốc tế kiểm soát tàu thuyền và máy bay của Triều Tiên nếu nghi ngờ chở hàng hóa bị cấm. Cùng quan điểm với Trung Quốc, trong một phát biểu mới đây trước báo giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich khẳng định, nội dung dự thảo nghị quyết mới là cân bằng và phản ánh những quan ngại của Nga.
Bất chấp làn sóng phản đối của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn tỏ ra hết sức cứng rắn khi Bộ Chỉ huy tối cao quân đội nước này vừa cảnh báo sẽ "vô hiệu hóa" Hiệp định đình chiến ký năm 1953 sau cuộc chiến tranh Triều Tiên và cắt đường dây liên lạc quân sự giữa hai miền. Cùng với quyết định tạm ngừng công việc của phái đoàn nước này ở làng đình chiến Panmunjom - nơi các đại diện của Triều Tiên và Hàn Quốc gặp gỡ định kỳ để liên lạc và thương lượng - người phát ngôn quân đội Triều Tiên mới đây tuyên bố quân đội nước này sẽ có các biện pháp trả đũa nhiều hơn và mạnh hơn.
Tin từ Hàn Quốc 24 giờ qua cho thấy, Triều Tiên vừa thiết lập các vùng cấm bay; đồng thời cấm tàu thuyền hoạt động với khu vực rộng lớn ngoài khơi bờ biển phía đông và tây của đất nước. Động thái này cho thấy, Triều Tiên đã sẵn sàng cho các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn chưa từng có nhưng cũng không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ thử tên lửa tầm ngắn và tầm trung như một đáp trả cuộc tập trận chung thường niên Mỹ-Hàn đang diễn ra trên biển Hoàng Hải cũng như các biện pháp trừng phạt mới của HĐBA LHQ sắp ập vào quốc gia này.
Không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang từng giờ. Bình Nhưỡng tích cực chuẩn bị tập trận quy mô lớn trong khi đó, HĐBA LHQ ráo riết để thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt mới. Sự kiện Triều Tiên thử nghiệm tên lửa tầm xa vừa qua rõ ràng không còn là "lá bài chính trị" của Bình Nhưỡng mà nó đã giúp đưa Triều Tiên gia nhập "Câu lạc bộ" 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Với tham vọng khẳng định sức mạnh quân sự như hiện nay, dư luận không hy vọng Bình Nhưỡng sẽ ngay lập tức ngừng mọi chương trình hạt nhân cho dù HĐBA LHQ có gia tăng áp lực như thế nào đi chăng nữa. Vì thế, có ý kiến cho rằng, Bán đảo Triều Tiên đang trở thành "Trung Đông" của Châu Á.