Thị trường lao động, việc làm năm 2013: Không ít thách thức
Đời sống - Ngày đăng : 06:34, 07/03/2013
Tranh chấp lao động, đình công vẫn diễn biến phức tạp; tai nạn lao động, cháy nổ, chết người vẫn xảy ra ở một số địa phương… Chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; nguồn tuyển mới hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề rất khó khăn; chất lượng, hiệu quả dạy nghề ở một số địa phương, cơ sở dạy nghề còn hạn chế, nhất là dạy nghề ngắn hạn. Hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế….
Năm 2013, thị trường lao động sẽ gặp nhiều khó khăn.Ảnh: Khánh Nguyên |
Tuy nhiên, theo thống kê trong năm 2012, cả nước vẫn giải quyết việc làm cho 1,52 triệu lao động (đạt 95% kế hoạch). Kết quả này là do lượng lao động thất nghiệp chấp nhận gia nhập vào thị trường lao động tự do cho dù thu nhập bấp bênh và không bảo đảm về an sinh xã hội. Đây được xem là những con số không bền vững cho người lao động.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, sẽ là những thách thức rất lớn đối với ngành LĐ-TB&XH cũng như toàn xã hội khi phải đạt mục tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu người (trong nước 1,515 triệu người; xuất khẩu lao động 85.000 người) trong năm 2013. Những mục tiêu khác cũng gặp không ít khó khăn với những áp lực có thể nhìn thấy rõ: giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, trong đó các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2012; hạ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; hạ cơ cấu lao động nông, lâm, ngư nghiệp còn 46%; nâng tỷ trọng lao động trong công nghiệp và xây dựng 23,5%; dịch vụ 30,5%. Tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên 11,146 triệu người (trong đó bảo hiểm tự nguyện là 196.000 người); tuyển mới dạy nghề 1,9 triệu người; 98,5% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú…
Để làm tốt các nhiệm vụ nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cần thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách lao động việc làm, ưu đãi người có công, chính sách bảo trợ xã hội… không để bất kỳ người dân, hộ gia đình nào có chính sách mà không được hưởng. Đồng thời, tập trung nghiên cứu bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng chương trình công tác của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền, đặc biệt là Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi) bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình thực hiện. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, bên cạnh các nhiệm vụ trên, sẽ phát triển thị trường lao động nhằm tạo nhiều việc làm cho người lao động; triển khai một số vấn đề về tiền lương và định hướng cải cách tiền lương đến năm 2020; tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020.
Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ chung tay cùng các bộ, ngành đưa ra các định hướng, kế hoạch cụ thể nhằm tạo cho bức tranh lao động sáng hơn. Các buổi tọa đàm về kết nối cung- cầu lao động; đối thoại xã hội và cải cách Bộ luật Lao động, quan hệ việc làm… phần nào định hướng cho doanh nghiệp và người lao động có thể xích lại gần nhau hơn...