Dân hiểu lầm, doanh nghiệp kêu khó!

Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 07/03/2013

(HNM) - Nhân viên trạm thu phí (TTP) không sai, lái xe cũng có lý nhưng vướng mắc vẫn không được giải quyết dẫn đến ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự tại TTP.



Đó là thực trạng đang xảy ra tại một số TTP kể từ ngày 1-3-2013 theo thời hạn trong văn bản của Bộ GTVT gửi Chính phủ đề xuất mua lại quyền thu phí của doanh nghiệp (DN) để ngừng thu phí. Sau một tuần, vấn đề này vẫn chưa có lời giải thích ổn thỏa từ cơ quan chức năng.

Cần có những hướng dẫn cụ thể về việc mua lại quyền thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm. Ảnh: Huy Hùng


Theo Văn bản số 798/ BGTVT của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý, sắp xếp các TTP sử dụng đường bộ khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, ngoài 12 TTP nộp ngân sách nhà nước và 5 TTP trả nợ vay phải dừng thu phí từ ngày 1-1-2013, Bộ đề xuất mua lại quyền thu phí từ DN mà Nhà nước đã chuyển giao để dừng thu với 4 TTP kể từ ngày 1-3-2013. Đó là trạm Phù Đổng - quốc lộ (QL)1, trạm Hoàng Mai - QL1, trạm Bàn Thạch - QL1, trạm Bãi Cháy - QL18.

Ngày 1-3-2013 cũng là thời điểm thực hiện quyết định dừng hoạt động của các TTP cầu đường trên toàn quốc. Đây cũng là khởi điểm dẫn tới tình trạng lộn xộn, gây ùn tắc giao thông tại một số trạm trong những ngày qua. Ông Trần Xuân Trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP An Sinh (đơn vị trúng thầu thu phí trạm Bãi Cháy và trạm Hoàng Mai) cho biết, kinh phí đấu thầu và trúng thầu trạm Bãi Cháy là 332 tỷ đồng và trạm Hoàng Mai là 225 tỷ đồng với thời gian khai thác 60 tháng kể từ ngày 1-1-2010 (sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2014). Tuy nhiên, từ ngày 1-3 đến nay, lái xe qua trạm không chịu mua vé lượt, vé tháng với lý do phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ và Bộ GTVT đã công bố dừng thu. Một số DN vận tải còn đến đòi trả lại tiền vé tháng, vé quý đã mua từ trước. Trước đây, bình quân một tháng trạm thu được khoảng 6 tỷ đồng (hơn 200 triệu đồng/ngày). Những ngày qua, công ty chỉ thu được hơn 40 triệu đồng/ngày.

Tại TTP Phù Đổng (huyện Gia Lâm) vào một số thời điểm đã xảy ra ùn tắc do nhân viên thu phí và lái xe bận "tranh luận" về đề xuất của Bộ GTVT. Nhiều lái xe cho rằng, họ đã mua phí bảo trì đường bộ 1,8 triệu đồng/năm đương nhiên không phải đóng phí nữa. Đại diện các DN khai thác TTP khẳng định, lái xe có lý bởi nếu vẫn phải mua vé thì đương nhiên là phí chồng phí. Nhưng DN thu phí cũng không sai bởi hợp đồng quyền thu phí còn đến ngày 31-12-2014 mới hết hạn. Chính phủ chưa phê duyệt đề xuất của Bộ GTVT. Bộ GTVT cũng chưa có động thái nào để xử lý vấn đề này mặc dù đã một tuần trôi qua. Đã có thời điểm, một số lái xe lăng mạ nhân viên bán vé và tổ chức cho đoàn xe chặn hết 4 làn đường, gây ách tắc kéo dài buộc nhân viên phải mở cửa trạm. Có xe còn húc đổ barie để qua trạm. Cán bộ công nhân viên ở trạm thu phí đang rất hoang mang…

Trở lại với Văn bản số 798/ BGTVT-TC nói trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, với trạm Phù Đổng và trạm Bãi Cháy, do lượng phương tiện qua lại cao, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội nên Bộ đề nghị mua lại quyền thu phí của các DN đang khai thác để xóa bỏ, dừng thu kể từ ngày 1-3-2013. Việc mua lại quyền thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm rất phức tạp nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể. Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan tiến hành thương thảo với các đơn vị nhận chuyển giao để xác định cụ thể kinh phí mua lại (gồm cả phương án nhà đầu tư BOT mua lại các TTP này, đưa vào phương án hợp đồng BOT).

Theo ông Trần Xuân Trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP An Sinh, việc lái xe qua trạm phải mua vé trong khi đã đóng phí bảo trì đường bộ là phí chồng phí, điều này rất bất hợp lý. Công ty sẵn sàng tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT; đồng thời đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng để sớm thống nhất kế hoạch chuyển giao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cuộc trao đổi cụ thể nào nhằm làm rõ các khúc mắc.

Việc Bộ GTVT mua lại quyền thu phí của DN để xóa bỏ, dừng thu là một chủ trương đúng đắn, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để xảy ra sự hiểu lầm từ phía người dân dẫn tới ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới hoạt động của DN, có phần trách nhiệm của Bộ GTVT. Trong khi đề xuất của mình chưa được Chính phủ phê duyệt thì lẽ ra trước thời hạn 1-3-2013, Bộ phải có văn bản chính thức gửi tới các đơn vị liên quan, đồng thời công bố rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chấp hành. Rõ ràng công tác thông tin tuyên truyền đã không được bám sát để có những điều chỉnh kịp thời. Vì vậy, điều cấp bách nhất hiện nay là Chính phủ và Bộ GTVT sớm có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên.

Tuấn Khải