Bài học về công khai, dân chủ

Đời sống - Ngày đăng : 06:03, 07/03/2013

(HNM) - Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa của thành phố Hà Nội, năm 2012, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo tập trung, quyết liệt, thực hiện được 7.300ha, cao hơn nhiều so với kế hoạch là 4.000ha.

Đây là một khối lượng công việc lớn, triển khai rất khó khăn song đã thu được kết quả tốt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số địa phương chủ quan, xây dựng phương án chưa kỹ, thiếu công khai dân chủ làm nảy sinh mâu thuẫn trong nhân dân, ảnh hưởng đến tiến độ DĐĐT. Sự việc diễn ra ở thôn Trung Vực Trong, xã Thượng Vực những ngày vừa qua là một ví dụ...


Đã quá thời hạn gieo cấy vụ xuân 2013, nhưng đến ngày 5-3, thôn Trung Vực Trong vẫn còn trên 30ha để trống do người dân không chịu xuống đồng. Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Vực Nguyễn Bá Sâm, xã có 5 thôn thì 4 thôn đã tiến hành giao ruộng và người dân đã xuống đồng canh tác. Riêng chỉ có thôn Trung Vực Trong mới giao ruộng ngoài thực địa được 234/298 hộ. Một số hộ dân không đồng tình với phương án DĐĐT của xã, không nhất trí mỗi khẩu góp 30m2 đất để làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng, yêu cầu phải rà soát lại quỹ đất công mà xã, thôn cho giao nhầm, khoán nhầm, đề nghị phải chia hết quỹ đất công cho dân. Những hộ dân này cho rằng, tiểu ban DĐĐT của thôn Trung Vực Trong không công khai khi gắp phiếu giao ruộng, có sự nhầm lẫn phiếu, nghi ngờ thôn giấu đất dôi ra để lập quỹ riêng, tùy tiện thu sai quy định 500.000 đồng/hộ khi chuyển đổi mô hình...

Sau khi nghe báo cáo khó khăn của UBND xã Thượng Vực trong DĐĐT, ngày 28-1-2013 lãnh đạo huyện Chương Mỹ đã xuống họp với nhân dân thôn Trung Vực Trong. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Doanh cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ ra thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo của xã và tiểu ban DĐĐT của thôn Trung Vực Trong là không công khai, thiếu dân chủ, nhất là về phương án DĐĐT của xã và phương án giao ruộng của thôn, dẫn đến người dân thắc mắc, không đồng tình. Do đã vào thời vụ gieo cấy, không còn thời gian xây dựng lại phương án DĐĐT và thực hiện các bước giao ruộng, huyện Chương Mỹ chỉ đạo xã Thượng Vực, thôn Trung Vực Trong mời các hộ đi nhận ruộng, tạm giao theo phương án đã công bố, tạm giao một số diện tích công theo quy hoạch ở thôn cho số khẩu tại thời điểm giao ruộng theo Nghị định 64 để dân sản xuất, sau đó rà soát xây dựng lại phương án mới để người dân bàn bạc công khai.

Tuy nhiên, một số hộ dân đã bị lợi dụng, kích động đưa ra nhiều yêu sách yêu cầu phải giao ruộng luôn, không chịu xuống đồng cấy vụ xuân. Ngày 22-2, huyện Chương Mỹ chỉ đạo xã Thượng Vực đưa 10 máy cày xuống làm đất đã bị một số hộ dân cản trở, chống đối. Ngày 5-3, huyện Chương Mỹ tiếp tục đối thoại với 208 hộ dân thôn Trung Vực Trong và thống nhất chỉ đạo, không thu 30m2/khẩu để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng (sử dụng quỹ đất công để làm giao thông, thủy lợi), đưa máy xuống ruộng hỗ trợ công làm đất cho 30ha chưa cấy. Với diện tích đất công của thôn cho dân cấy, nếu thiếu mạ huyện sẽ hỗ trợ đủ cho dân cấy hết diện tích. Cuối tháng 3, thôn sẽ cử tiểu ban DĐĐT mới xây dựng phương án giao ruộng công khai cho dân. Những người có thiếu sót trong DĐĐT, đối tượng chống đối, kích động người dân cản trở sản xuất sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trần Vũ Lâm cho biết, huyện Chương Mỹ đã giao các phòng Kinh tế, Tài nguyên và môi trường giúp xã Thượng Vực xây dựng phương án giao ruộng chính thức cho thôn Trung Vực Trong sau khi gieo cấy xong vụ xuân 2013; giao xã và thôn Trung Vực Trong tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân khẩn trương xuống đồng cấy hết diện tích lúa xuân kết thúc ngày 8-3.

Sự việc xảy ra ở thôn Trung Vực Trong, xã Thượng Vực là rất đáng tiếc và sự chỉ đạo hướng khắc phục của huyện Chương Mỹ là đúng đắn, kịp thời. Mong rằng người dân thôn Trung Vực Trong vì lợi ích của gia đình và cộng đồng không bị đối tượng xấu lôi kéo, kích động; cần chấp hành tốt chính sách pháp luật, khẩn trương xuống đồng gieo cấy vụ xuân trong khung thời vụ còn cho phép, tránh bỏ ruộng hoang, lãng phí đất đai. Sự việc ở xã Thượng Vực cũng là bài học cho nhiều địa phương khác trong quá trình DĐĐT sau này.

Xuân Quang