Không cần thiết quy định quyền thu hồi đất bắt buộc phục vụ các mục đích kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 11:10, 06/03/2013
Tại Điều 15, chương II của Dự thảo sửa đổi Luật đất đai quy định: Nhà nước quyết định thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; thu hồi đất do vi phạm luật đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện.
Ảnh minh họa. Nguồn: thitruongtaichinh.vn |
Phát biểu tại buổi đóng góp ý kiến sáng 4/3 của thường trực HĐND, UBND thành phố Hà Nội, Phó giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp cho rằng, ngay trong lý do Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng cũng đã bao gồm các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nếu quy định Nhà nước thu hồi đất ở các dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ rất dễ bị lợi dụng. Ông Thiệp đề nghị nên bỏ ý các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nội dung thu hồi đất.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ phân tích rằng, nếu quy định như vậy thì trong mọi trường hợp đều có thể dùng quyền Nhà nước để thu hồi đất. Điều đó không bảo đảm quyền sử dụng đất là quyền tài sản được nhà nước bảo hộ như chính trong điều 58 dự thảo.
Góp ý trên website của Quốc hội, bạn đọc Đinh Cường cũng cho rằng, đất là tư liệu sản xuất, gắn liền với quyền lợi của mỗi công dân, nhà nước chỉ có quyền thu hồi trong trường hợp phục vụ an ninh quốc phòng, công trình giao thông, còn các mục đích khác thì phải trưng mua, khi được sự nhất trí của người dân mới được giải phóng mặt bằng, không ai có quyền cưỡng chế. Nếu vấn đề đất đai không quy định chặt chẽ thì tính khả thi của Luật sẽ khó thực hiện và người dân sẽ chịu thiệt thòi.
Ông Nguyễn Văn Thanh, quận Ba Đình, TP Hà Nội cho rằng, nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thì có thể hình thành xã hội đen uy hiếp nhân dân, tái định cư cũng không đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Thanh gợi ý, các dự án phát triển toàn dân thì phải công khai quy hoạch trước nhân dân.
Ông Thanh cũng góp ý, đối với công trình tái định cư thì phải để người sử dụng đất làm giám sát cộng đồng. Như vậy, mới khẳng định là dân chủ, khẳng định đất đai là sở hữu của toàn dân. Chúng ta nên vận động lấy ý kiến đồng ý trước thì không có lý do gì người dân không nhận kinh phí bồi thường và Nhà nước có cơ sở để cưỡng chế.
Theo tổng hợp ý kiến từ Diễn đàn Chính sách về đất đai ở vùng dân tộc và miền núi của Ủy ban Dân tộc Quốc hội cũng cho thấy, từ góc độ chính sách, không cần thiết quy định quyền thu hồi đất bắt buộc phục vụ các mục đích kinh tế, bởi bản thân các cơ chế thị trường đã tạo ra các yếu tốc kích thích thỏa đáng cho những người sử dụng đất bán các quyền sử dụng đất của họ cho các nhà đầu tư là những người có thể sử dụng đất có năng suất hơn.