Doanh nghiệp BĐS: “Sống” khó, “chết” cũng khó!

Bất động sản - Ngày đăng : 07:26, 06/03/2013

(HNM) - Thị trường bất động sản năm 2013 được đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn vì tồn kho vẫn tăng cao, lãi suất chưa giảm như kỳ vọng, các cơ chế, chính sách liên quan còn nhiều bất cập.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoReA) nhận định, năm 2013 tiếp tục là năm khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, khó khăn đến mức nào phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu BĐS.

Nợ xấu và hàng tồn kho là những “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản.


Các doanh nghiệp BĐS đang rất khó khăn và mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét và cơ cấu lại các khoản vay cũ, điều chỉnh lãi suất hợp lý để giảm nợ xấu và gánh nặng lãi vay cao, để doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển mà trả được nợ. Kết quả, qua khảo sát 40 dự án điển hình của doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, các doanh nghiệp đều mong muốn "thoát" khỏi thị trường BĐS nhưng hàng không bán được, mà phá sản cũng không ai cho. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn muốn được ngân hàng "siết" nợ BĐS với giá bằng giá trị đã định giá trước đó nhưng ngân hàng cũng… không "thèm"! "Nếu Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ chưa đưa ra giải pháp giải quyết hàng tồn đọng và nợ xấu thì doanh nghiệp BĐS khó vượt qua khó khăn hoặc "chết" được - Phó Chủ tịch HoReA Đỗ Thị Loan cho biết.

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng cho biết, các ngân hàng không màng "siết nợ" dự án có hai lý do. Thứ nhất, trước đó ngân hàng đã… lỡ định giá quá cao. Thứ hai, theo các ngân hàng thủ tục để lấy một tài sản BĐS để bán nhanh nhất là 3 năm. Khi đó, ngân hàng cũng "chết".

Kiến nghị nhanh chóng thực hiện Nghị quyết 02

Hiện HoReA đã có một số kiến nghị gửi các cấp, ngành liên quan trong việc triển khai Nghị quyết 02. Theo đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng triển khai việc cung ứng nguồn vốn hỗ trợ 20.000 - 40.000 tỷ đồng cho người tiêu dùng, mỗi suất vay khoảng 500 - 600 triệu đồng với lãi suất ưu đãi khoảng 6%/năm trong thời hạn 20 đến 30 năm cho những người mua căn nhà đầu tiên (diện tích căn hộ nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2); đề nghị tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Việt kiều được mua và sở hữu nhà cho người nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ với điều kiện chỉ được mua căn hộ hạng sang (giá không dưới 30 triệu đồng/m2). HoReA cũng kiến nghị sửa đổi phương thức thu tiền sử dụng đất theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP và Nghị định 120/2010/NĐ-CP hiện là gánh nặng đối với doanh nghiệp, đồng thời khiến giá BĐS lên cao theo HoReA. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ có cơ chế, chính sách cho phép thực hiện thí điểm các dự án căn hộ cho thuê giá bình dân (khoảng 2-3 triệu đồng/tháng) và dự án bán căn hộ có thời hạn…

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: "Ba vấn đề lớn của BĐS đang phải xử lý là hàng tồn kho, nợ xấu và ổn định thị trường. Sở đã đưa ra 9 nội dung triển khai Nghị quyết 02 và sẽ đề xuất lộ trình thực hiện với UBND TP". Để giải quyết hàng tồn kho cho BĐS, ông Danh cho biết thành phố đang thực hiện phương thức kết nối ba chủ thể: Doanh nghiệp, người mua nhà và ngân hàng. Hiện thành phố đã làm việc với các ngân hàng và đã có cam kết về các gói tín dụng như Ngân hàng Công thương cam kết đưa ra thị trường 15.000 tỷ đồng với lãi suất dưới 10%/năm. Thành phố cũng đang điều chỉnh công năng các dự án chưa triển khai để phục vụ chương trình nhà ở xã hội, chuyển tồn kho từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội...

Tuy nhiên, trong lúc chờ các chính sách hỗ trợ được thực hiện, các doanh nghiệp cho biết trước tiên vẫn phải "tự cứu mình". Nhiều doanh nghiệp như Công ty Lê Thành, Công ty CP Tập đoàn C.T… chuyển sang xây nhà cho thuê hoặc sở hữu có thời hạn. Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cách "cứu mình" tốt nhất vẫn là tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản phẩm. Hiện nay, mức giá được thị trường chấp nhận là khoảng 12-15 triệu đồng/m2. Vì vậy, khi xây dựng, doanh nghiệp cần tính toán giá thành xây dựng khoảng 5 triệu đồng/m2, cộng với các chi phí khác, bao gồm tiền bồi thường đất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, lãi vay ngân hàng…

Đặng Loan