Từ tầm nhìn đến thực tiễn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 06/03/2013

(HNM) - Với khoảng 20 dự án điện gió trong giai đoạn tới năm 2020, Bình Thuận là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển điện năng theo hướng này.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng tái tạo điện lực dầu khí Việt Nam (thuộc Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam), dự án điện gió Phú Quý mới đi vào hoạt động được nửa năm (từ tháng 8-2012) nhưng tính ra thì để hòa vốn, một năm tổng công ty sẽ phải bù lỗ khoảng 10 tỷ đồng. Được biết, dự án điện gió Phú Quý được khởi công xây dựng cuối năm 2010 với tổng công suất 6MW, vốn đầu tư trên 335 tỷ đồng.

Thời buổi kinh tế khó khăn, có vốn đầu tư đã khó, bỏ đồng tiền thực hiện dự án lại phải chịu lỗ, chắc chắn không doanh nghiệp nào chịu nổi và đó là lý do mà hiện nay ở Bình Thuận mới chỉ có 2 dự án điện gió đã đi vào hoạt động (trong đó có dự án nêu trên).

Theo lý giải của Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng tái tạo điện lực dầu khí Việt Nam: Điện gió sản xuất ra ngành điện mua 6,8 cent, Nhà nước bù vào 1 cent thành 7,8 cent/kWh điện. Nếu dùng thiết bị của Trung Quốc giá mua phải trên 9 cent mới có thể có lời. Riêng công trình hiện tại ở Phú Quý giá mua phải 10,36 cent mới có thể thu hồi vốn trong vòng 12 năm. Còn nữa, về nguyên tắc, điện gió là nguồn bổ sung vì để hoạt động, bản thân điện gió phải có lưới điện chung hỗ trợ.

Phụ thuộc vào nguồn điện máy chạy dầu diesel ở đảo Phú Quý nên khi điện diesel không chạy được (chỉ chạy 16 giờ/ngày) thì điện gió không thể điều áp và điều tần được. Mặt khác, nguồn lưới điện chạy bằng dầu diesel là 3MW trong khi nguồn của gió theo thiết kế là 6MW, gấp đôi công suất của diesel. Như vậy là sai về giải pháp kỹ thuật. Rồi mua điện diesel để sản xuất giá là 7.300 đồng/kWh nhưng khi làm điện gió bán ra 1.638 đồng/kWh… Tất cả những gạch đầu dòng đó đều đưa tới một kết luận: Không lỗ mới là lạ!

Tuy nhiên, xin bàn tới một vấn đề khác: Vấn đề quy hoạch. Những năm gần đây, trong quy hoạch của các ngành, các lĩnh vực người ta luôn nhắc tới tầm nhìn. Nói đơn giản, bỏ một nghìn, 10 nghìn, 100 nghìn đồng… để mua một sản phẩm có thể ít phải suy nghĩ, nhưng bỏ hàng triệu đồng, hàng tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng… để đầu tư thì phải cân nhắc, suy tính kỹ lưỡng. Đó là lẽ thường. Do đó, với quy hoạch lại càng phải có tầm nhìn vì đó là sự hoạch định để tránh tình trạng nay làm mai phá, hoặc chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà không thấy hại lâu dài… Các dự án phát triển điện gió chắc chắn cũng phải nằm trong một tổng thể nhất định, đại loại như "Quy hoạch điện gió địa bàn Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Mục tiêu đến năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt khoảng 700MW, sản lượng điện gió 1.500 triệu kWh; năm 2030, các con số dự kiến tương ứng là 2.500MW - 5.475 triệu kWh. Và để "tầm nhìn" đó thành hiện thực sẽ có nhiều việc để triển khai. Ví dụ như, sẽ triển khai những chính sách ưu đãi nào để thu hút các nhà đầu tư; xây dựng lưới điện hỗ trợ (như nguồn lưới điện chạy bằng dầu diesel ở đảo Phú Quý) phù hợp với công suất các dự án; cơ chế giá thành và các yếu tố hỗ trợ về giá nếu có (xin lưu ý rằng hiện chỉ có các nước phát triển mới tập trung ưu tiên đầu tư các dự án điện gió)… Những cái đó, các DN, các nhà đầu tư không làm được.

Nếu không như vậy, chắc chắn "tầm nhìn" chỉ có ở quy hoạch mà không thể trở thành thực tiễn.

Tuy nhiên, tiếc rằng, trong nhiều vấn đề, lĩnh vực hiện đang tồn tại rất nhiều "gạch đầu dòng" không nằm trong một tổng thể chung, nói cách khác là ai biết việc người nấy nên từ "tầm nhìn" tới hành động và thực tiễn vẫn là khoảng cách.

Hoàng Thu Vân