Quan tâm nhiều hơn tới nạn nhân
Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 05/03/2013
Vợ chồng ông Trần Văn Đồng, ở xã An Khánh (Hoài Đức) có bốn người con thì ba người là Trần Văn Thành (sinh năm 1982), Trần Văn Thìn (sinh năm 1988), Trần Văn Mạnh (sinh năm 1993) không bình thường. Tưởng con bị dị tật bẩm sinh, ông bà đưa con chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Mãi sau, mới biết bị di chứng CĐDC. Giờ đây, dù cả ba đã trưởng thành nhưng mọi sinh hoạt cá nhân vẫn dựa vào bố mẹ. Ông Đồng sức khỏe yếu, gánh nặng dồn lên vai người vợ. Cuộc sống quá khó khăn nên đôi khi phải nhờ đến sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm. Ông Đồng cho hay: "Các cháu bị nhiễm CĐDC, vợ chồng tôi phải thay nhau chăm sóc. Thiếu người lao động, thành thử gia đình luôn túng bấn. Nếu không có sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm thì không biết gia đình tôi sẽ sống ra sao".
Gia đình ông Đồng chỉ là một trong số hàng nghìn gia đình nhiễm CĐDC có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thống kê của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Hà Nội cho thấy, hiện toàn thành phố có gần 50.000 người nhiễm và nghi nhiễm CĐDC, trong đó mới có gần 17.000 người được hưởng phụ cấp. Hầu hết các gia đình nhiễm CĐDC đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, cần được cộng đồng quan tâm, giúp đỡ.
Trong bối cảnh đó thì việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 178/KH-UBND khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 có thể xem là bước ngoặt quan trọng đối với nạn nhân CĐDC, giúp họ cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ giải quyết cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với các nạn nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội: 100% người tham gia kháng chiến và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công; các hộ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp đời sống và bảo hiểm y tế; 100% thai phụ của nạn nhân chất độc hóa học được quản lý thai nghén...
Thực hiện các mục tiêu trên, năm 2013 thành phố Hà Nội sẽ xây dựng tiêu chí phiếu điều tra, kế hoạch điều tra và tổng điều tra số lượng nạn nhân nhiễm CĐDC trên địa bàn thành phố; hoàn thiện chính sách và chế độ trợ giúp nạn nhân CĐDC là những người tham gia kháng chiến và con cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC được hưởng chính sách ưu đãi người có công; tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để bảo đảm tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC; xây dựng các mô hình chăm sóc nạn nhân tại cộng đồng, các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe nạn nhân ở địa phương...
Để kế hoạch trên được thực thi nhanh và hiệu quả nhất, thực sự giúp nạn nhân CĐDC cải thiện chất lượng cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện, thị xã... phải phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện tốt các mục tiêu đã đặt ra. Thành phố hy vọng với sự vào cuộc của tất cả, các ban, ngành, đoàn thể sẽ xây dựng được môi trường xã hội ngày càng tốt hơn, bảo đảm các quyền của nạn nhân CĐDC.