Ăn nhiều rau xanh, quả chín phòng viêm loét miệng
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:42, 04/03/2013
Tôi rất hay bị viêm loét trong miệng, thường cũng chỉ có một vết loét xuất hiện khoảng một tuần rồi lành nhưng cũng gây khó chịu. Xin hỏi nguyên nhân và cách phòng bệnh?
(Chị Trần Minh Anh, Quốc Oai)
Lớp bao phủ khoang miệng và lưỡi là niêm mạc miệng. Các tổn thương viêm loét đa dạng nhưng loét dạng aphthe nhỏ là hay gặp nhất, chiếm khoảng 80%. Điển hình là có một vài đến nhiều vết loét đường kính dưới 1cm, nằm rời rạc hoặc thành đám. Mặc dù bệnh không nguy hiểm nhưng cũng gây đau đớn, khó khăn khi nói, ăn. Nguyên nhân gây ra viêm loét niêm mạc miệng như bị chấn thương (bỏng nhiệt khi ăn uống thức ăn quá nóng); các thủ thuật nha khoa (như khoan trám răng, hàn răng, nhổ răng, lắp răng giả nhưng không vừa, răng bị mẻ, gãy…); trẻ em bị que kem, bút viết, hoặc vật sắc nhọn đâm vào miệng lưỡi; các chất hóa học tác động như axít, nước vôi, nước súc miệng quá đậm đặc, dùng nhiều kem đánh răng nhưng súc miệng chưa kỹ; do ảnh hưởng của nội tiết tố hay yếu tố di truyền; dị ứng thức ăn, thuốc chữa bệnh; do thiếu sắt, các loại vitamin (C, PP, B6, B12)… Bệnh cũng có thể do nhiều loại vi khuẩn gây viêm loét lợi răng hoại tử cấp tính quanh ổ răng (hay gặp ở người thiếu dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, người bị mệt mỏi suy nhược cơ thể, hút thuốc, vệ sinh kém); do virút Herpes, virút Varicella zoster (gặp trong bệnh thủy đậu), virút Coxsackie (loại virút gây bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em)…
Vết loét sẽ tự lành trong khoảng một đến hai tuần và không để lại sẹo. Nhưng với trường hợp nặng, bệnh nhân nên súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn; dùng thuốc kháng virút và kháng sinh khi có nhiễm khuẩn. Ngoài ra, người bệnh không uống rượu bia, bỏ hút thuốc lá; không ăn thức ăn cay, mặn, chua, chát, nóng. Để phòng bệnh, cần chú ý không ăn loại thức ăn nào đã gây dị ứng và gây viêm loét miệng; ăn uống đủ chất, tăng cường thức ăn chứa nhiều vitamin C, PP, B6, B12 như các loại rau xanh, hoa quả chín, cam, chanh, bưởi…