Khai thông “nút thắt” về nguồn nhân lực
Đời sống - Ngày đăng : 07:36, 04/03/2013
Tình nguyện vì dân
Ông Trần Anh Tuấn cho biết, Bệnh viện (BV) huyện Mường Nhé đã có phòng mổ và trang thiết bị, nhưng mới có một bác sỹ đang được đào tạo về ngoại khoa. Khoa sản của BV cũng chỉ vỏn vẹn một bác sỹ và năm 2012 mới bắt đầu thực hiện được… mổ đẻ - kỹ thuật mà nhiều BV huyện dưới xuôi thực hiện hằng ngày. "Chúng tôi đang thiếu bác sỹ sản, nhi, y tế dự phòng, hồi sức" - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đến năm 2016, sẽ có 500 bác sỹ trẻ về công tác tại các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là 62 huyện nghèo. Ảnh: Gia Hiếu |
Không chỉ có Mường Nhé, mà đó là tình trạng chung của BV tuyến dưới, đặc biệt là ở 62 huyện nghèo nhất nước. Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) thống kê: Cả 62 huyện nghèo hiện mới có một bác sỹ chuyên khoa 2, 28 huyện chưa thành lập được BV huyện mà hoạt động theo mô hình trung tâm y tế, nơi ít nhất chỉ có 6 bác sỹ/trung tâm, nơi nhiều cũng chỉ có 28 bác sỹ. Trong khi ở vùng đồng bằng, BV huyện Hải Hậu (Nam Định) có đến 50 bác sỹ. Thiếu nhân lực, đặc biệt là cán bộ y tế có trình độ sau đại học, nhiều bệnh nhẹ nhưng các BV địa phương cũng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải.
Giải quyết khó khăn trên như thế nào là vấn đề không dễ. Cả chục năm trước, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã muốn thực hiện dự án đưa bác sỹ về vùng sâu, vùng xa để tăng cường cho tuyến dưới, nhưng khó khăn về "đầu ra", tức là chính sách dành cho bác sỹ sau giai đoạn tình nguyện nên dự án không thành. Gần năm qua, Bộ Y tế đã "thai nghén" và quyết tâm thực hiện một dự án kéo dài đến năm 2016, với kế hoạch đưa 500 bác sỹ trẻ về công tác tại các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là 62 huyện nghèo. Theo ông Phạm Văn Tác, với dự án này, lần đầu tiên đưa được các bác sỹ có học lực khá, giỏi về vùng khó khăn, còn trước đây hầu như chỉ có bác sỹ tốt nghiệp hệ chuyên tu là chịu về vùng sâu.
Sẽ là bắt buộc
Đặng Hoàng Thạch, sinh viên năm thứ 6 ĐH Y Hà Nội, quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những sinh viên đầu tiên đăng ký tham gia dự án này. Sinh viên này cho biết, đi thực tập ở các BV lớn như Việt - Đức, Bạch Mai, Phụ sản… đã thấy BV quê mình còn thiếu thốn nhiều thứ lắm. Nhưng nếu dự án phân công đi một BV huyện vùng sâu nào đó ở xa quê, Đặng Hoàng Thạch vẫn sẵn sàng. "Đây là cơ hội cho bọn em học hỏi và cống hiến. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc sẽ thiếu thốn hơn ở thành phố, nhưng bà con chắc chắn đang cần bác sỹ" - Đặng Hoàng Thạch tâm sự.
Theo ông Phạm Văn Tác, dự án sẽ triển khai từ năm 2013. Hiện nay đã có 155 bác sỹ trẻ tốt nghiệp năm 2013 đăng ký tham gia, trong đó có 32 chính thức. Các bác sỹ tham gia dự án đều phải tốt nghiệp ĐH loại khá, giỏi, được nhận về công tác tại một BV tuyến TƯ, sẽ là nơi họ trở về công tác sau khi hết giai đoạn tình nguyện. BV này có nhiệm vụ đào tạo chuyên khoa định hướng cho các bác sỹ tình nguyện trong 18 tháng trước khi về công tác tại BV huyện vùng sâu có nhu cầu. Thời gian luân chuyển này là 2 năm với nữ và 3 năm với nam. Dự án sẽ luân phiên liên tục từ nay đến 2016, trước khi chuyển sang một giai đoạn mới là sẽ có luật quy định về việc luân phiên về vùng sâu trong cuộc đời hành nghề của cán bộ y tế.
Phát biểu tại lễ triển khai dự án, Trưởng ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa không chỉ đánh giá dự án đã triển khai hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, thể hiện sự quan tâm của ngành y tế đối với sức khỏe nhân dân mà còn là cách làm nên được nhân rộng. "Tôi mong muốn việc làm này không chỉ bó hẹp trong ngành y tế mà cần được nhân rộng sang các ngành giáo dục, kinh tế, xã hội khác", ông Tô Huy Rứa nói.
Một giải pháp không mới nhưng với cách triển khai mới và bài bản không chỉ hứa hẹn sự thành công của một dự án thí điểm mà còn khai thông được một nút thắt trên con đường đi đến mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giải quyết tình trạng quá tải cho tuyến trên và bao trùm là chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân, nhất là người dân nghèo.