Đầu tư nước ngoài: Hài hòa giữa giải ngân và thu hút

Bất động sản - Ngày đăng : 07:20, 04/03/2013

(HNM) - Hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ở nước ta hai tháng đầu năm nay diễn ra theo hướng trái chiều, với đà tăng vốn giải ngân nhưng lại giảm vốn mới cấp phép.


Vốn giải ngân tăng

Hai tháng đầu năm 2013, các dự án ĐTNN đã giải ngân được 1,05 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, nền kinh tế đã được tiếp sức một số vốn đáng kể và tránh được thực trạng vốn ảo như một số trường hợp đăng ký rồi "để đấy" thường xảy ra khi hoạt động đầu tư suy giảm. Đây là kết quả rất đáng mừng trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và của giới đầu tư quốc tế nói riêng vẫn trong cảnh trầm lắng. Thực tế này ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm giữ vững nhịp độ đầu tư và xa hơn là niềm tin ở môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong tương lai trung, dài hạn.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon (KCN Thăng Long). Ảnh: Yến Ngọc



Đáng lưu ý, một số nhà đầu tư có tiềm năng tài chính dồi dào cũng như công nghệ cao, như Hoa Kỳ, EU, nhất là Nhật Bản đều tỏ rõ tinh thần sẵn sàng tìm, đón nhận cơ hội để nghiên cứu khả năng triển khai nhiều dự án cụ thể tại Việt Nam. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cùng một số tổ chức hỗ trợ đầu tư thuộc nhiều tỉnh, khu vực, như Kansai, Osaka, Hyogo và tập đoàn lớn của Nhật Bản như Itochu, Marubeni, Nec… đang khẳng định sẽ gia tăng hoạt động nghiên cứu thị trường, tăng cường nghiên cứu dự án khả thi để triển khai trên diện rộng. Những dự án của đối tác Nhật Bản phần lớn tập trung vào lĩnh vực chế tạo, chế biến trên nhiều ngành như ô tô, đồ điện gia dụng, linh kiện máy tính, thiết bị công nghiệp đồng bộ, máy móc xây dựng… nên sẽ mang lại hiệu ứng tích cực, nhất là góp phần thúc đẩy công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển. Tại những cuộc gặp giữa đại diện giới đầu tư Nhật Bản với cơ quan chức năng Việt Nam, đại diện DN bạn luôn nhấn mạnh sự xuất hiện của làn sóng đầu tư thứ 3 từ Nhật Bản vào Việt Nam, với diễn biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tình hình hoạt động của DN ĐTNN cũng gặt hái những kết quả khả quan, mặc dù nhiều DN trong nước gặp khó, phải thu hẹp sản xuất. Riêng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) 2 tháng đầu năm nay đạt 12,2 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 64,34% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này giải thích vì sao các chuyên gia nhận định khu vực ĐTNN đang nắm vai trò "đầu kéo" cho hoạt động xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ cũng như bảo đảm cân bằng cung - cầu ngoại tệ cho nền kinh tế. Tính chung, khu vực ĐTNN đã xuất siêu 2,96 tỷ USD. Ngoài ra, việc duy trì giá trị xuất khẩu cũng tạo ra cơ hội để DN trong nước nhận đơn đặt hàng, gia công theo yêu cầu của DN ĐTNN, tạo ra mối quan hệ gắn bó, chia sẻ cơ hội sản xuất, kinh doanh giữa các đối tác. Bên cạnh đó, sự hoạt động ổn định của các dự án ĐTNN cũng tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho hơn 2 triệu lao động trực tiếp, chưa kể số lao động liên quan tại các địa phương có dự án cụ thể.

Khắc phục tình trạng giảm vốn đăng ký

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký mới cấp phép và tăng thêm 2 tháng đầu năm là 630,3 triệu USD, bằng 38,1% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là số vốn rất thấp và được giới chuyên gia phân tích rằng, tổng vốn ĐTNN mới thu hút giảm mạnh chủ yếu là do trong 2 tháng đầu năm 2012 Việt Nam đã cấp phép một số dự án quy mô lớn (như các dự án của các doanh nghiệp sản xuất lốp xe Bridgestone với tổng vốn đầu tư 574 triệu USD; Oshima Shipbuilding Việt Nam vốn đầu tư 180 triệu USD; Lock & Lock Living vốn đầu tư 150 triệu USD). Trong khi đó, 2 tháng đầu năm nay chưa có thêm những dự án lớn.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, lượng vốn mới cấp phép hiện vẫn tập trung phần lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 44 dự án đăng ký mới, thông qua tổng số vốn 408,9 triệu USD, chiếm 64,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 2 tháng qua. Tuy nhiên, tình hình trên không thể bù đắp được thực trạng suy giảm về nguồn vốn ĐTNN đăng ký mới và đặt ra yêu cầu cần sớm có giải pháp khắc phục, khơi thông dòng vốn trong những tháng còn lại của năm 2013. Theo đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các địa phương sẽ chủ động rà soát các quy hoạch, danh mục dự án gọi vốn đầu tư; tăng cường chất lượng và rút ngắn thời gian từ công đoạn thẩm định đến cấp phép; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là công khai thông tin, làm rõ những quy định, ưu đãi với nhà đầu tư; làm tốt việc giải phóng mặt bằng, bàn giao "đất sạch"…

Các địa phương chủ động nắm bắt tình hình triển khai dự án ĐTNN trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư. Các cấp có thẩm quyền cũng kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết, tập trung giải ngân theo tiến độ. Đặc biệt, các tỉnh cũng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý tồn tại, nhất là rút giấy phép những dự án "xí phần" để cải thiện hình ảnh, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư. Làm như vậy, mỗi địa phương sẽ làm chủ được tình hình, tránh tình trạng "vốn ảo", bảo đảm sự công bằng và tạo cơ hội cho nhà đầu tư đến sau.

Đáng lưu ý, hiện một số địa phương như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… đang kiên trì mục tiêu thiết lập một số khu công nghiệp phục vụ những ngành công nghiệp chuyên biệt để thu hút những dự án sản xuất linh kiện, sau đó cung cấp cho DN lắp ráp thành phẩm hoàn chỉnh. Đây là mô hình đang được quan tâm, bởi nếu thành công nó sẽ thu hút hàng loạt dự án liên quan đến đăng ký đầu tư, nhất là những DN vệ tinh, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Hồng Sơn