Miền Nam Thái Lan chưa thôi bất ổn

Thế giới - Ngày đăng : 06:38, 04/03/2013

(HNM) - Chưa đầy 24 giờ sau khi Chính phủ Thái Lan ký thỏa thuận đầu tiên với nhóm phiến quân Mặt trận Cách mạng dân tộc (BRN) ở khu vực miền Nam - nơi tập trung tín đồ Hồi giáo - ngày 28-2, một vụ đánh bom liều chết lại xảy ra ở tỉnh Narathiwat của khu vực vốn nhiều bất ổn này.


Số người thiệt mạng không lớn so với những vụ đánh bom tương tự trước đó; song bạo lực bùng phát ngay sau một thỏa thuận mang tính bước ngoặt được ký kết cho thấy, "bài toán" bất ổn miền Nam sẽ vẫn là thách thức lớn với Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Hiện trường vụ đánh bom tại tỉnh Narathiwat.



Với hy vọng góp phần chấm dứt xung đột kéo dài ở khu vực miền Nam suốt 9 năm qua đã cướp đi sinh mạng của 5.500 người, thỏa thuận cam kết hợp tác hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình được các đại diện của Chính phủ Thái Lan và BRN ký kết tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), ngay trước thềm cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Y.Shinawatra đang ở thăm Malaysia và người đồng cấp nước chủ nhà Najib Razak. Cho rằng, chiến lược của Thái Lan nhằm giải quyết sự bất ổn tại miền Nam đang đi đúng hướng, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sukampol Suwannathat phát biểu khẳng định, Chính phủ sẵn sàng đối thoại với BRN để giải quyết những bất đồng hiện nay.

Thỏa thuận vừa được ký kết là nỗ lực lớn của Chính phủ Thái Lan trong nhiều năm qua và những cuộc đối thoại sắp tới sẽ giúp Chính phủ hiểu hơn "tâm tư" của những phần tử ly khai, để trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa một nền hòa bình lâu dài sẽ được thiết lập ngay tại 3 tỉnh miền Nam vì còn ít nhất 3 phong trào nổi dậy khác đang hoạt động. Một số ý kiến quan ngại rằng, thỏa thuận sẽ khó có thể làm thuyên giảm cuộc nổi dậy cũng như tình trạng bạo lực ở khu vực miền Nam với lý do nội bộ BRN đang bị chia rẽ quá lớn. Các phong trào ly khai khác đều không đánh giá cao vai trò cũng như ảnh hưởng của Hassan Thoyib - người đứng ra ký thỏa thuận hòa bình cho BRN. Một số ý kiến khác cho rằng, nhiều nhà lãnh đạo ly khai khác có uy tín hơn Hassan đã không tham gia đàm phán bởi Chính phủ Thái Lan từ chối miễn truy cứu trách nhiệm cho họ. Điều đó cho thấy, một nền hòa bình thật sự cho khu vực vẫn ở ngoài tầm tay khi Chính phủ tỏ ra "ưu ái" với BRN trong khi vẫn duy trì lệnh truy nã các phe nhóm phiến quân khác.

Theo giới chức Bangkok, hiện có gần hai triệu người sống trong khu vực này, trong đó 80% là người Hồi giáo. Tình trạng bạo lực tại đây bùng phát mạnh từ đầu năm 2004 bằng cuộc tiến công của các tay súng nổi dậy vào kho vũ khí của quân đội ở tỉnh Narathiwat, lấy đi hơn 300 khẩu súng và sát hại 4 binh sĩ… Trong bối cảnh bạo lực không có dấu hiệu lắng dịu trong nhiều năm qua, khôi phục hòa bình tại đây là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm (khôi phục hòa bình ở miền Nam, hòa giải dân tộc và chống ma túy) trong chương trình hành động được Chính phủ của Thủ tướng Y.Shinawatra công bố khi nhậm chức cách đây hơn một năm. Theo đó, nhiều biện pháp đã được triển khai như thành lập Trung tâm Điều hành giải quyết tình hình cực Nam; tăng cường các biện pháp an ninh, đặc biệt tại những địa điểm công cộng với việc triển khai thêm nhiều cảnh sát và quân đội; lắp đặt thêm camera giám sát nhằm bảo đảm an ninh khu vực… Không dừng lại ở đó, mới đây Bangkok đã chi hàng chục triệu USD trợ giúp các nạn nhân của tình trạng bạo lực tại khu vực miền Nam.

Tuy nhiên, tình hình an ninh vẫn chưa được cải thiện, trong đó vụ đánh bom ở tỉnh Narathiwat là một ví dụ. Nhưng dù sao đi chăng nữa, sự kiện Chính phủ Thái Lan và BRN ký kết thỏa thuận hướng tới hòa giải vẫn là "điểm khởi đầu của một quá trình lâu dài" làm dấy lên hy vọng thanh bình cho các vùng đất cực Nam Thái Lan. Dù phía trước còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng thỏa thuận vừa đạt được với BRN đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Thái Lan nhằm tìm kiếm và thiết lập một nền hòa bình lâu dài ở một khu vực bất ổn. Có ý kiến cho rằng, để giải quyết tình hình, Chính phủ Thái Lan có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khối ASEAN, tìm kiếm sự hợp tác từ những quốc gia Hồi giáo, đặc biệt là Malaysia.

Đình Hiệp