Yếu tố quyết định hiệu quả thực hiện nhiệm vụ
Chính trị - Ngày đăng : 06:13, 04/03/2013
Đổi mới phương thức lãnh đạo
Đảng bộ xã Thọ Lộc được Huyện ủy Phúc Thọ chỉ thị chọn một thôn làm điểm dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), tạo tiền đề xây dựng những cánh đồng mẫu lớn. Đã từng DĐĐT nhưng chưa thành công nên cán bộ, đảng viên và người dân đón nhận thông tin ấy không mấy hào hứng. Khi Đảng ủy kêu gọi tinh thần xung phong "làm điểm" của chi ủy 5 thôn thì không đơn vị nào hưởng ứng. Sau khi xem xét, Đảng ủy xã quyết định chọn Chi bộ thôn Bướm chỉ đạo làm điểm vì chi bộ này có đông đảng viên và cũng là thôn có nhiều diện tích nhất xã (56ha).
Do tổ chức cơ sở đảng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo toàn diện, huyện Sóc Sơn đã đi đầu trong việc dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Kiên |
Bí thư Đảng ủy xã Thọ Lộc Kiều Trí Dần cho biết, sau hơn 10 cuộc họp mới có 361/418 hộ thống nhất về chủ trương, 57 hộ không đồng ý. Đảng ủy đã phân công đảng ủy viên về cơ sở tuyên truyền lợi ích của việc DĐĐT, đồng thời huy động MTTQ, các đoàn thể vào cuộc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động các hộ chưa đồng thuận. Đồng thời, Đảng ủy xã chỉ đạo mở rộng đường tại 60 tuyến ngõ, tạo sự tin tưởng cho người dân trong xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 2 tháng, 1.435 thửa ruộng của thôn Bướm đã được dồn đổi còn hơn 500 thửa lớn, có đường rộng, mương nước dẫn tới tận ruộng, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Bí thư Đảng ủy xã Kiều Trí Dần đúc kết, cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nghiên cứu kỹ đặc điểm của mỗi thôn, am hiểu, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh và quyết liệt chỉ đạo mới thành công. Nếu thấy người dân kêu khó mà chần chừ xin ý kiến cấp trên sẽ không đạt được kết quả.
Không riêng Đảng bộ xã Thọ Lộc, nhiều TCCSĐ ở các quận, huyện Hai Bà Trưng, Long Biên, Từ Liêm, Sóc Sơn… đã đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, đổi mới việc ra nghị quyết gắn với nêu cao tinh thần gương mẫu của đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Giai đoạn đầu triển khai DĐĐT, huyện Sóc Sơn cũng gặp khó khăn do đội ngũ cấp ủy, lãnh đạo cấp xã chưa nhận thức đầy đủ, vào cuộc chưa quyết liệt. Huyện ủy đã tăng cường chỉ đạo đổi mới nội dung sinh hoạt của các chi bộ; khơi dậy tính tự giác, chủ động của cấp ủy cơ sở, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại (đơn vị nào thực hiện DĐĐT huyện mới đầu tư, hỗ trợ tối đa), đồng thời khen thưởng, kỷ luật công minh… Những giải pháp này đã tỏ rõ hiệu quả, Sóc Sơn trở thành một trong những địa phương đi đầu về DĐĐT. Qua DĐĐT, xây dựng nông thôn mới cho thấy, các TCCSĐ đã thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện, nhất là những nội dung khó như xây dựng quy hoạch, tổ chức lại sản xuất...
Siết chặt quy chế làm việc
Hiện nay, đảng bộ các xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã xây dựng và thực hiện quy chế làm việc giữa bí thư cấp ủy với chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và người đứng đầu các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo đó, tại các đảng bộ, vai trò lãnh đạo HTCT của Đảng được khẳng định rõ hơn; cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, MTTQ và các đoàn thể vận động thành viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương được vận hành tốt; hạn chế tình trạng lấn sân, làm thay. Các đảng bộ đã chú trọng nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của cấp mình, xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên, phân công thực hiện cụ thể, khắc phục tình trạng dàn trải, không rõ người, rõ việc. Chất lượng sinh hoạt đảng cũng được nâng lên, nhiều cấp ủy đã quan tâm phát triển đảng viên. Bình quân mỗi năm, đảng bộ các xã, phường, thị trấn kết nạp được gần 3.800 đảng viên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, vẫn còn có cấp ủy chưa thực hiện tốt quy chế làm việc, thụ động, thiếu nhạy bén với diễn biến của thực tế. Mô hình tổ chức đảng ở địa bàn dân cư của nhiều xã, phường, thị trấn thiếu thống nhất, một số nơi chưa đồng bộ với HTCT, còn tình trạng hai, ba chi bộ lãnh đạo một thôn, xóm, cụm dân cư. Cá biệt có thôn chịu sự lãnh đạo của 13 chi bộ gây nên nhiều bất cập. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy cơ sở còn hạn chế, lúng túng trước những vấn đề mới phát sinh; tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ chưa cao; cấp ủy chưa kịp thời và thiếu kiên quyết trong giải quyết những vấn đề vi phạm, tồn đọng.
Chất lượng HTCT ở cơ sở chính là yếu tố quyết định hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Do đó, trong năm 2013, Thành ủy Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế làm việc giữa bí thư cấp ủy với chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và người đứng đầu các đoàn thể chính trị - xã hội ở các xã, phường, thị trấn. Thành ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đổi mới phương thức lãnh đạo, thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, ngăn ngừa biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Đến thời điểm này, Thành ủy đã khảo sát và xây dựng xong đề án, dự kiến trong quý II hoặc quý III năm 2013 sẽ kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức đảng và các tổ chức trong HTCT trên địa bàn cụm dân cư, thôn, xóm, tổ dân phố, bảo đảm sự thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCT cơ sở.