Tâm huyết và trách nhiệm công dân
Xã hội - Ngày đăng : 05:54, 04/03/2013
Hiến pháp năm 1992 là bản Hiến pháp thứ tư của Việt Nam kể từ khi đất nước giành được độc lập năm 1945 (trước đó là các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959 và năm 1980). Các bản Hiến pháp này đã góp phần quan trọng tạo nền tảng vững chắc về pháp lý cho sự ổn định và phát triển đất nước. Đặc biệt, Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta, chế độ ta. Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng thể hiện tập trung ở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua (tháng 6-1991), tạo cơ sở hiến định cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hơn 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn: Thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao... Tuy nhiên, sau 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 (có bổ sung, sửa đổi năm 2001) và sau khi Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), có nhiều vấn đề mới được đặt ra. Do đó việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, cần thiết để đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, tạo tiền đề mới cho phát triển kinh tế, đồng thời thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng.
Việc tổ chức lấy ý kiến người dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc trọng đại của quốc gia, được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ưu tiên thực hiện nhằm tạo sự nhất trí cao về mặt chính trị, pháp lý trong toàn xã hội; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với công việc của đất nước. Bởi Hiến pháp là đạo luật gốc, quy định toàn bộ quyền con người, quyền công dân, nghĩa vụ công dân; chế độ chính trị, tổ chức, bộ máy nhà nước; là cơ sở để hình thành các luật chuyên ngành.
Việc tổ chức lấy ý kiến người dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng chính là thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề quốc gia đại sự; đồng thời nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng của toàn dân, góp phần làm cho Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây cũng chính là minh chứng rõ nét nhất cho tư tưởng tất cả mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Do vậy, việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân. Có thể coi việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý đặc biệt sâu rộng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để góp phần xây dựng Hiến pháp có chất lượng cao, hoàn thiện bộ luật gốc của quốc gia đáp ứng đòi hỏi thực tiễn mới của đất nước.
Trân trọng sự đóng góp của người dân và các đoàn thể, tổ chức chính trị, việc tập hợp ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tổ chức dưới nhiều hình thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi cá nhân đều có thể bày tỏ, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. Những góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được tập hợp một cách đầy đủ, chính xác để các bộ phận chức năng tiếp thu, nghiên cứu và giải trình, hoàn thiện và nâng cao chất lượng dự thảo. Tất cả đều nhằm phát huy cao nhất quyền và vai trò của người dân trước các vấn đề lớn của đất nước. Qua đó, bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta, chế độ ta được thể hiện một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch. Đó cũng chính là một động lực cho sự phát triển của đất nước, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Những ý kiến thẳng thắn, đầy tâm huyết và trách nhiệm đã được bày tỏ. "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" - nhắc lại câu nói của cổ nhân để thấy trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước, với dân tộc. Đây là dịp mà tri thức, tư duy, hiểu biết của mỗi người ở các tầng lớp khác nhau có điều kiện đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Đó là điều toàn xã hội đều mong muốn và trân trọng. Nhiệt huyết và trách nhiệm trong việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ có thể bắt nguồn từ cái tâm trong sáng của mỗi cá nhân trước thách thức, vận mệnh, thời cơ của đất nước và dân tộc. Đã có rất nhiều ý kiến góp ý vừa có tầm trí tuệ, trách nhiệm công dân, phản biện các vấn đề rất khoa học, vừa có cái tâm trong sáng thực sự vì dân vì nước. Những ý kiến góp ý khoa học, tâm huyết đều được tiếp thu để sửa chữa, điều chỉnh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tuy vậy, ở chỗ này, chỗ kia vẫn dễ dàng nhận thấy những góc khuất, những dụng ý đầy cơ hội, những thủ đoạn lợi dụng đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn này để chống phá Nhà nước, chống phá chế độ. Mượn danh nghĩa tự do thể hiện quan điểm, chính kiến riêng, có những cá nhân đã hằn học chửi bới chế độ, lớn tiếng "đề nghị" xem xét lại địa vị pháp lý của Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đưa ra quan điểm "phi chính trị hóa quân đội", yêu cầu "quân đội đứng ngoài chính trị", đòi đa nguyên, đa đảng… Điều đó thật lạc lõng với thực tiễn tình hình đất nước, với xu thế phát triển.
Đó là hành động đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc!
Đó là sự ngạo mạn phủ nhận những thành quả cách mạng hôm nay mà các thế hệ người dân nước Việt đã lấy máu và mồ hôi dày công vun đắp, bảo vệ và xây dựng!
Nhìn rộng ra một số quốc gia trong khu vực và châu lục hay tại các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây, thấy rằng những bài học và cái giá phải trả cho việc thả nổi những hành động lợi dụng dân chủ để chống phá chế độ, vẫn còn nóng hổi.
Có những âm mưu được ngụy biện và che đậy dưới "tấm vải nhung" quan điểm, chính kiến cá nhân. Điều đó không khó để nhận ra. Chúng ta hoan nghênh và trân trọng những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của mọi người dân, nhưng chúng ta không cho phép việc lợi dụng góp ý về Dự thảo Hiến pháp để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các mưu đồ cá nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Ấy là giới hạn cần thiết phải có mà không ai được "nhân danh" bất cứ điều gì để xâm phạm. Trong tự nhiên và trong hoạt động xã hội, cái gì cũng có giới hạn. Không có giới hạn sẽ là hỗn loạn. Đó là nguyên tắc tiên quyết của hoạt động và điều hành xã hội.