Lười đọc sách có tác hại như thế nào?
Xã hội - Ngày đăng : 08:21, 03/03/2013
Em Nguyễn Minh Trang, (HS lớp 10A2, Trường THPT Đống Đa):
- Em rất ngại đọc sách, nhất là những cuốn truyện dày hàng trăm trang. Em chỉ hay đọc truyện tranh vì ít chữ lại kèm theo nhiều hình ảnh minh họa hấp dẫn. Không chỉ có em mà nhiều bạn cũng không đủ kiên nhẫn đọc những quyển sách dày cộp. Em nghĩ nếu muốn cập nhật thông tin, đọc sách, báo gì thì chỉ cần lên mạng tìm kiếm vừa nhanh, vừa đỡ tốn kém. Em cũng hay đọc các trang tin tức dành cho lứa tuổi "teen", các mạng xã hội. Ngoài ra, truyền hình cũng có rất nhiều chương trình thời sự, cập nhật tin tức và các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, truyện nổi tiếng.
Em Hoàng Văn Minh, (HS lớp 11A, Trường THPT Trần Phú):
- Thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú. Em thấy rất nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được tái bản rất đẹp. Nhưng đúng là các bạn HS ngày càng lười đọc sách, các cửa hàng sách cũng chỉ nhộn nhịp trong mấy ngày đầu năm học mới bởi phụ huynh, học sinh đến mua sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, tài liệu nâng cao. Còn những cuốn tiểu thuyết, tuyển tập truyện ngắn hay thì ít bạn trẻ nào mua về để đọc. Nhưng em thấy việc đọc sách không hề lạc hậu hay chỉ dành cho những người rỗi rãi. Đọc sách nhiều rèn cho em khả năng tư duy và vốn từ tốt hơn, viết văn mạch lạc, logic hơn. Đọc sách giúp đầu óc thanh thản hơn, giảm stress hơn nhiều. Trong sách còn có những câu chuyện rất ý nghĩa cho chúng em học hỏi.
Cô Nguyễn Thị Ngọc,(Giáo viên dạy Văn,Trường THCS Ngọc Lâm):
- So với thế hệ chúng tôi, HS hiện nay có nhiều điều kiện để tiếp xúc với sách, báo. Thế nhưng ngày ấy chúng tôi háo hức chuyền tay nhau những cuốn sách sờn rách, thậm chí thiếu trang, mất chữ, ngấu nghiến đọc. Còn bây giờ, các em thờ ơ với những cuốn sách in bìa đẹp, giấy trắng. Đa phần HS chỉ đọc vài cuốn sách tham khảo hoặc nâng cao phục vụ cho việc học của mình mà thôi. Nhiều em còn cho rằng, việc đọc sách văn học là tốn thời gian, vô ích. Có em chỉ chọn loại truyện tranh hoặc truyện viễn tưởng, kiếm hiệp.
Lười đọc sách nên vốn từ ngữ của các em rất nghèo nàn, tố chất văn chương ngày càng kém. Khi chấm những bài thi, bài kiểm tra, tôi rất buồn vì những câu văn ngô nghê, cẩu thả, trích dẫn tác phẩm sai lệch, râu ông nọ cắm cằm bà kia... Ngay cả trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, các em cũng nói chuyện cộc lốc, "đệm" tiếng Anh, tiếng Việt tùy tiện. Để khơi lại đam mê đọc sách của HS, nhà xuất bản và các trường nên phối hợp để thành lập nhiều thư viện với số đầu sách phong phú, tổ chức chương trình như: Ngày hội đọc sách, giảm giá sách. Phụ huynh cũng nên khuyến khích con mình đọc sách bằng cách tìm mua những cuốn truyện có nội dung phù hợp lứa tuổi, xây dựng tủ sách gia đình.