Gặp những cựu binh trung đoàn thủ đô ở phương Nam
Chính trị - Ngày đăng : 07:28, 03/03/2013
Các chiến sỹ quyết tử Trần Mùi (áo xanh) và Tạ Văn Hiền (áo trắng) trong một buổi gặp mặt. |
Sinh ra trong gia đình buôn bán kề ngay khu chợ Đồng Xuân, những ngày địch bao vây Hà Nội, Trần Mùi chưa tròn 15 tuổi đã dũng cảm ném chai xăng cơ rếp và lựu đạn vào xe tăng địch trong trận chống càn tại chợ Đồng Xuân. Do dáng người nhỏ thó, ông được giao nhiệm vụ truyền tin và theo dõi hành tung địch. Giờ đây, đã bước sang tuổi 80, sức yếu, trí nhớ giảm nên Trung tá Trần Mùi không còn nhớ đã tham gia bao nhiêu trận đánh trong 60 ngày quyết tử bảo vệ Thủ đô. Nhưng ông lại nhớ những ngày tháng đi tìm đồng đội nơi đất khách, quê người. Sau 60 ngày đêm năm 1946, nhiều chiến sĩ vào các chiến trường chiến đấu. Hòa bình lập lại, sống tại TP Hồ Chí Minh, khi khói lửa bom đạn không còn thì vợ ông mắc bệnh nhũn não, mất trí nhớ, nằm liệt giường. Hơn 10 năm qua, tự tay ông chăm bón từng thìa cơm cho bà để con cái yên tâm làm việc. Phần thời gian còn lại, ông đi tìm và tập hợp được 13 đồng đội là chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô đã vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Xét về tuổi tác, ông Mùi là em út của nhóm nhưng các chiến sỹ quyết tử lại xem người em út ấy là thủ lĩnh tinh thần của nhóm.
Chỉ những cuốn sách "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "Thủ Đô huyết lệ" hay "Những thiếu niên quyết tử Thủ đô" được xếp cẩn thận trên đầu giường, ông Mùi bảo: "Tuổi già nhớ nhớ, quên quên, nên tôi để sách sẵn đầu giường. Mỗi khi nhớ Hà Nội, nhớ đồng đội, lại đem ra đọc. Cứ như vậy, lại tìm thấy mình, thấy anh em qua từng trang viết".
Ông Phạm Quốc Tuấn. |
Theo hướng dẫn của ông Mùi, chúng tôi tìm được Trung tá Tạ Văn Hiền ở tỉnh Bình Dương. Đã 86 tuổi, là thương binh, nhưng ký ức ngày xưa với ông vẫn như thước phim rõ mồn một. Ông kể, khi 18 tuổi, ông xung phong xin nhập ngũ nhưng do người nhỏ, thiếu cân nên bị loại. Lúc đó, chàng trai trẻ Tạ Văn Hiền nổi cáu: "Các anh không nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, tại sao các anh vì cân nặng mà trừ tôi ra. Tôi dám ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, sao lại không cho tôi đi…". Nhờ câu nói đó, ông Hiền được tuyển vào đội quân cảm tử và được đồng đội đặt cho biệt danh "Lỳ mà liều". Ngay trong đêm 19-12-1946, ông Hiền được phân công nằm trên vòm gác của Nhà máy Sản xuất vật tư Bưu điện. Khi lính Pháp kéo đến định chiếm nhà máy, tổ trinh sát được lệnh rút, nhưng ông liều lĩnh bám trụ ném lựu đạn xuống trúng xe địch. Trở về với cuộc sống đời thường và chọn Bình Dương làm điểm dừng chân cuối đời, là thương binh, lại ở xa nhưng cứ có dịp là ông Hiền vẫn lái xe máy, rong ruổi thăm đồng đội và chở những người già yếu hơn đi chơi mà không cần phiền hà con cháu. "Thời chiến sống được là nhờ tình cảm với nhau, bao bọc nhau. Cuối đời lại phải xa quê hương, cái nơi mình quyết sống chết thì càng phải tìm đến nhau nhiều hơn nữa chứ. Xa cỡ nào tôi cũng mò đi, bởi gần đất xa trời rồi, còn nhiêu thời gian để đến với nhau đâu" - ông Hiền trầm ngâm.
Trong ngôi nhà của mình, ở một góc trang trọng, ông Hiền để bức tranh mang biểu tượng tháp Rùa cũ kỹ. Ông cười, tự hào: "Đó là linh hồn, là trái tim, là lời thề của hàng nghìn chiến sĩ Thủ đô đấy. Đây là bức tranh vẽ năm 1948, giữa cánh đồng Đại Từ - Thái Nguyên. Khi ấy, các chiến sỹ đã dựng nên một tháp Rùa bằng tre, như lời thề ngày trở về rồi vẽ lại. Mỗi chiến sỹ quyết tử chúng tôi đều giữ trong tay bức tranh này. Đó là niềm mơ ước sống, là ý chí chiến đấu để trở về giành lại Thủ đô".
So với đồng đội, chiến sĩ quyết tử Phạm Quốc Tuấn (sinh năm 1934) có hoàn cảnh khó khăn hơn. Hơn 10 năm qua, hai vợ chồng ông vẫn phải ở trọ trong căn phòng nhỏ hẹp 10m2 tại phường Hiệp Thành, quận 12 (TP Hồ Chí Minh). Ông buồn buồn kể rằng, số phận mình long đong, may mà cuối đời có được một người phụ nữ bên cạnh khi trái gió trở trời. Người vợ ông chính là bà Nguyễn Thị Lý. Sau khi người chồng đầu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 30 năm vò võ nuôi con trưởng thành, gặp người chiến sĩ quyết tử Thủ đô lặng lẽ một mình nơi đất khách quê người, bà Lý đã quyết định dọn về để chăm ông, nhất là những khi trái gió, trở trời. Bà Lý vừa khâu vá, vừa góp chuyện: "Năm 2010, ông ấy ốm nặng, tưởng không qua được. Cận kề cái chết, mà chỉ mong sống được qua đến dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi muốn đưa ông về thăm lại Thủ đô nhưng hoàn cảnh quá khó khăn. May mắn, có đứa cháu cho tiền, lo vé máy bay để ông ra thăm lại quê sau hàng chục năm xa cách. Người già, tinh thần chính là liều thuốc quý nhất. Chuyến trở về thăm Hà Nội, viếng đài tưởng niệm các chiến sỹ quyết tử, gặp được bạn bè, ông ấy đã xốc lại tinh thần và khỏe dần lên".
Thời gian thoi đưa, 13 chiến sĩ quyết tử Thủ đô ở TP Hồ Chí Minh, 10 người đã mất vì tuổi già, giờ chỉ còn 3 "cây đại thụ" là ông Mùi, ông Tuấn, ông Hiền. Tại thành phố, ngoài gặp riêng, họ còn sinh hoạt chung với Hội Cựu chiến binh Trung đoàn Thủ đô. Trung tá Trần Mùi chủ động liên kết, giao lưu với nhóm Cựu biệt động Sài Gòn - Gia Định. Mỗi bận gặp gỡ, dù già rồi nhưng chất lính vẫn trỗi dậy, ông Tuấn xung phong lo địa điểm, ông Mùi tất bật lo việc chụp hình, ông Hiền lo lái chiếc xe ba bánh đi đón các bạn già. Những lần đó, ký ức oai hùng, nghĩa tình đồng đội như thước phim sống động, khiến những người lính già nơi đất khách ấm áp lòng.