Ngân sách Mỹ đã chính thức bị tự động cắt giảm

Thế giới - Ngày đăng : 22:02, 02/03/2013

Từ 12 giờ trưa 2/3, theo giờ Hà Nội, ngân sách liên bang Mỹ chính thức bị tự động cắt giảm, sau khi những nỗ lực thương lượng vào phút chót giữa Nhà Trắng vàttt Quốc hội không đạt kết quả.

Với việc ngân sách tự động giảm 85 tỷ USD, năm 2013 được dự báo sẽ là một năm khó khăn đối với nền kinh tế số 1 thế giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc Quốc hội Mỹ cùng ông cân nhắc về một sự thỏa hiệp để đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng tài khóa đang gây những tác động tiêu cực cho nền kinh tế Mỹ và các cộng đồng dân cư.

Phát biểu trên Đài Phát thanh quốc gia, Tổng thống Obama đã hối thúc Quốc hội có những bước đi khẩn cấp để hạn chế những hậu quả tiêu cực từ việc cắt giảm ngân sách này. Ông nhấn mạnh đây là sự cắt giảm tồi tệ, gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng tới việc làm. Các nghị sĩ Quốc hội cần thay đổi lập trường và hướng tới một sự thỏa hiệp cần thiết.

Tổng thống Obama nêu rõ không còn thời gian để tìm kiếm một giải pháp linh hoạt cho vấn đề nợ công và cần phải thay thế các khoản cắt giảm này bằng các thay đổi về thuế.

Đúng như dự đoán của giới phân tích, kịch bản “thoát hiểm” vào phút chót từng xảy ra với “vách đá tài chính” cách đây 2 tháng đã không lặp lại. Diễn biến này được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Mỹ trong năm 2013, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm ít nhất 0,5%, còn hãng đánh giá tín nhiệm Standard&Poor’s cho rằng kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 2,7% được đưa ra trước đó.

Ngân sách Mỹ bị cắt giảm ảnh hưởng tới các chương trình quân sự tại châu Á. Giới chức quốc phòng đã đề cập khả năng kế hoạch đưa hàng nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa của Nhật Bản tới Guam bị trì hoãn thêm 2-3 năm nữa cũng như các thay đổi lực lượng của Mỹ tại khu vực khác của châu Á-Thái Bình Dương.

Chương trình cắt giảm này dự kiến sẽ giảm chi tiêu thực tế của các cơ quan chính phủ Mỹ tới 1.200 tỷ USD trong 10 năm. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ giảm 9%, với những hậu quả được dự báo đối với việc tái bố trí quân đội tại Guam cũng như các kế hoạch quân sự khác trong khu vực. Cắt giảm chi tiêu dự kiến cũng ảnh hưởng sâu rộng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu và hoạch định của quân đội Mỹ tại các khu vực khác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Nếu Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không giải quyết được bất đồng hiện nay, theo lý thuyết, đến hết tháng 3 này, Chính phủ Mỹ sẽ không còn đủ tiền hoạt động. Giới phân tích hy vọng việc cắt giảm hiện nay chỉ là tạm thời, và Tổng thống Obama sẽ thuyết phục được phe Cộng hòa thỏa hiệp, như ông đã từng làm trong vấn đề “vách đá tài chính”. Tuy nhiên, quả bóng dường như đang nằm trong chân phe Dân chủ, bởi phe Cộng hòa đã kiên quyết tuyên bố sẽ không thỏa hiệp một lần nữa, mà giờ là lúc Tổng thống Obama phải đổi lại bằng các điều chỉnh về chính sách thuế./. 

Theo TTXVN