Cuộc chiến pháp lý của cựu thủ tướng Ai Cập
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:53, 01/03/2013
Cựu Thủ tướng Ai Cập Ahmed Shafiq. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Chính trị gia 72 tuổi cùng ba con gái và 10 quan chức ngành hàng không Ai Cập bị cáo buộc đã phạm các tội danh tham nhũng, biển thủ công quỹ, đầu cơ trục lợi và rửa tiền. Những lời buộc tội này được đưa ra không lâu sau khi ông Shafiq thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6-2012. Ngay sau khi thất bại trong cuộc đua trở thành người lãnh đạo cao nhất của Ai Cập, ông Shafiq cùng gia đình rời đến sống tại UAE. Ông liên tục khẳng định sự vô tội và cho rằng, những cáo buộc cùng những biện pháp hình sự liên tiếp, trong đó có việc cấm ông sử dụng hộ chiếu Ai Cập là hoàn toàn mang mục đích chính trị. Cuộc tranh luận đúng sai chưa đi đến kết luận cuối cùng, nhưng có một điều chắc chắn rằng, ông Ahmed Shafiq là một nhân vật đặc biệt với vai trò không thể phủ nhận trên chính trường Ai Cập.
Giống như cựu Tổng thống Hosni Mubarak, ông Shafiq xuất thân là một quân nhân, tốt nghiệp Học viện Không quân Ai Cập và có bằng Thạc sỹ về Khoa học quân sự. Từ một phi công đầy kinh nghiệm, ông đã trở thành Tư lệnh Không quân Ai Cập trong giai đoạn từ 1996 đến 2002. Năm 2002, ông Shafiq bắt đầu sự chuyển đổi quan trọng trong con đường chính trị khi được ông Mubarak chỉ định là Bộ trưởng Hàng không, vị trí ông đã nắm giữ cho đến trước ngày chính quyền của cựu Tổng thống Mubarak sụp đổ.
Dù có mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo đã bị truất quyền, nhưng ông Shafiq được miêu tả như một trong những khuôn mặt chính trường có kỹ năng nhất trong chính quyền Ai Cập cũ, đồng thời cũng được đánh giá là một bộ trưởng có kinh nghiệm. Ông đã xây dựng hình ảnh như một người thẳng thắn, có chính kiến và sẵn sàng tranh luận với những nhân vật "chỉ đâu đánh đấy" trong chính quyền Mubarak. Trong cuộc nổi dậy được gọi là Cách mạng Hoa Sen tại Ai Cập năm 2011, ông Shafiq được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng vào ngày 29-1-2011. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông nhanh chóng chấm dứt chỉ một tháng sau đó, khi ông Mubarak tuyên bố từ nhiệm. Ông bị chỉ trích mạnh mẽ và được xem như là kẻ bảo vệ chế độ cũ.
Mối quan hệ tương giao với ông Mubarak giờ lại chính là yếu điểm lớn nhất cản trở ông Shafiq quay lại chính trường. Đặc biệt, việc thất bại trước ứng cử viên Morsi của phong trào Anh em Hồi giáo không chỉ chấm dứt ước mơ lên nắm quyền mà còn mở đầu cho hàng loạt cáo buộc tham nhũng, lạm quyền, biển thủ công quỹ nhằm vào ông. Dù có thừa nhận hay không thì một cuộc chiến pháp lý phức tạp đã bắt đầu đối với cựu thủ tướng Ai Cập.