Quyền được đòi hỏi

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 01/03/2013

(HNM) - Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bắt đầu từ hôm nay (1-3), phí rút tiền nội mạng tại các máy ATM sẽ được áp dụng với mức cao nhất là 1.000 đồng/giao dịch. Lý giải điều này, vị đại diện của Hiệp hội thẻ cho rằng, mỗi lần giao dịch, ngân hàng phải bỏ ra khoảng 7.000-9.000 đồng nên việc thu phí là để hài hòa lợi ích của khách hàng và ngân hàng trong bối cảnh mảng kinh doanh thẻ ATM của các ngân hàng bị lỗ.


Với đa phần người dùng thẻ, việc bị thu thêm phí giao dịch nội mạng là "sự đã rồi", vì không có sự lựa chọn nào khác. Điều họ quan tâm hơn cả là những thông tin, lý do được phía ngân hàng đưa ra chưa đủ sức thuyết phục. Cụ thể, số lỗ đích thực từ dịch vụ thẻ ATM là bao nhiêu thì không ngân hàng nào công bố. Trong khi đó, "ma trận" phí núp sau nhiều chiêu khuyến mãi luôn trực chờ người dùng thẻ.

Không quá khó để nhận ra, từ một chiếc thẻ ATM, ngân hàng có thể thu lợi từ nhiều dịch vụ khác. Điển hình nhất là các ngân hàng đều phát hành thẻ cho vay, tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu là với lãi suất cao. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần giải thích, sở dĩ lãi cho vay qua thẻ cao vì hình thức này chứa đựng nhiều rủi ro bởi phần lớn là vay tín chấp; ngân hàng phải chi phí nhiều cho các đối tác để tăng tiện ích thẻ như khuyến mãi, ưu đãi mua hàng... Có điều là, khi tiền của khách hàng để nằm trong tài khoản, ngắn ngày hay dài ngày, bao nhiêu lợi ích từ riêng khoản tiền "nằm im" này cũng không thấy ngân hàng nào công khai.

Cũng cần nhắc thêm rằng, thống kê từ các chuyên gia tài chính cho thấy, mỗi chủ thẻ ATM hiện đang phải chịu khá nhiều khoản phí như phí thường niên, phí rút tiền ngoại mạng, phí chuyển khoản nội mạng, phí cấp mật khẩu, phí tra soát, phí trả thẻ bị nuốt, phí thanh toán hàng hóa, dịch vụ... Chỉ cần làm một phép tính nhỏ cũng thấy, mỗi năm các ngân hàng đều thu về một khoản lợi nhuận khá lớn từ các loại phí này. Cụ thể, với con số khoảng 51 triệu thẻ đã được phát hành, chỉ riêng phí quản lý tài khoản thường niên (tối thiểu 39.600 đồng/thẻ) các ngân hàng đã thu về khoảng 2.100 tỷ đồng… Những con số này cũng không thấy ngân hàng nào công bố.

Mặt khác, trong lĩnh vực ngân hàng, đơn vị nào cũng có nhiều loại dịch vụ: Thanh toán, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ, cho vay... Lẽ thường, trong nhiều mảng ấy sẽ có lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao, có lĩnh vực hòa vốn, thậm chí chủ đầu tư phải chịu thiệt để "lấy ngắn, nuôi dài". Lý thuyết kinh doanh ấy có lẽ không một doanh nhân, doanh nghiệp nào không hiểu. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường thẻ tín dụng Việt Nam đang trong giai đoạn đầu và Nhà nước khuyến khích, tiến tới bắt buộc những giao dịch giá trị lớn, giao dịch bảo đảm không được dùng tiền mặt. Khi xã hội chuyển sang giao dịch qua tài khoản, đương nhiên lợi nhuận các ngân hàng thu được sẽ không hề nhỏ. Do đó, việc tạo điều kiện cho người dân làm quen trong mua sắm và thanh toán qua thẻ, hướng đến những giá trị gia tăng phái sinh quanh thẻ ATM những năm sắp tới mới là điều cần tính đến.

Rõ ràng, chính sự mập mờ "thiệt - hơn" ấy khiến 51 triệu chủ thẻ (con số tính đến hết năm 2012) có quyền đòi hỏi và hồ nghi về thông tin một chiều từ phía các ngân hàng khi hầu hết các đơn vị này công bố có lãi lớn trong năm 2012. Ngoài ra, việc đòi hỏi đi kèm thu phí giao dịch nội mạng thì chất lượng dịch vụ ATM phải được nâng lên. Chết nỗi, vấn đề này chưa bao giờ không còn là thách thức với các ngân hàng ở nước ta.

Có lẽ, lường trước được sự thiếu thuyết phục đối với khách hàng nên thông tin đáng mừng duy nhất là có 22/34 ngân hàng đã tuyên bố không thu phí giao dịch nội mạng kể từ ngày 1-3. Họ khôn ngoan hơn chăng?

Đan Nhiễm