Ghi nhận từ phong trào khuyến học ở Hà Nội

Giáo dục - Ngày đăng : 22:21, 28/02/2013

(HNMO)- Thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, nhiều địa phương, nhiều dòng họ, nhiều gia đình tùy vào điều kiện, hoàn cảnh đã có những cách làm hay, sáng tạo trong phong trào xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH), dòng họ hiếu học (DHHH), cộng đồng khuyến học (CĐKH)...

Theo đánh giá của Hội Khuyến học Hà Nội, cuộc vận động xây dựng GĐHH, DHHH, CĐKH, mà cốt lõi là mở rộng, nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi gia đình và cả cộng đồng, khuyến khích, động viên mọi người tiếp tục học tập (học tập trong nhà trường, học tập ngoài nhà trường và học tập suốt đời) đã được triển khai khắp các địa bàn dân cư trong thành phố, tạo ra một phong trào thi đua được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 20 vạn GĐHH, gần 2.000 DHHH, với tổng số quỹ khuyến học hơn 60 tỷ đồng; mỗi năm có hàng chục nghìn lượt học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, hàng nghìn lượt giáo viên giỏi các cấp được nhận phần thưởng khuyến học, khuyến tài.

"Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai"


Thực tế thời gian qua cho thấy, trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo rất đáng trân trọng nhằm gìn giữ, vun đắp, phát huy nguyên khí của dòng tộc, địa phương, góp phần vào sự nghiệp chấn hưng giáo dục, làm giàu cho quê hương, đất nước. Trong số đó có thể kể đến Hội Khuyến học Thanh Trì đã tham mưu với lãnh đạo huyện xây dựng mô hình “gia đình cử nhân”, “gia đình tú tài” với tiêu chí cụ thể. 5 năm qua đã công nhận 94.858 lượt GĐHH, 10.589 lượt gia đình cử nhân, 37.631 lượt gia đình tú tài, 518 dòng họ, cụm dân cư đạt DHHH, CĐKH. Đến nay, toàn huyện Thanh Trì đã có 72,5% số gia đình trên địa bàn đạt GĐHH; huyện đã xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài Chu Văn An với số tiền quỹ 6 tỷ đồng. Quận Hoàng Mai, bên cạnh việc phát triển và công nhận GĐHH, DHHH, CĐKH, ngày hội khuyến học hàng năm đều vinh danh và khen thưởng những người lao động giỏi, những “bàn tay vàng”. Những người được vinh danh là những người lao động bình thường trên nhiều lĩnh vực, có thể là thợ cơ khí, thợ thủ công, có thể là người trồng hoa, cây cảnh, làm dịch vụ... có sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại năng suất lao động, chất lượng cao, góp phần làm giàu cho gia đình, cho xã hội.

Nhiều phường, xã ở quận Long Biên, huyện Mê Linh có phong trào “mâm cỗ khuyến học” nhằm vận động các đôi trai gái mới kết hôn ủng hộ số tiền tương đương một mâm cỗ cho quỹ khuyến học. Còn tại xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) lại có phong trào “tiếng loa khuyến học”. Phong trào này được thí điểm từ 2 thôn Mai Nội và Thế Trạch, sau đó được nhân rộng ra toàn bộ 15 thôn trong xã góp phần đưa việc tự học của con em địa phương ngày càng có nền nếp, chất lượng. Thôn Võng Ngoại, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) đã xây dựng quy ước trong làng khắc bia ghi danh các đơn vị, cá nhân hảo tâm đóng góp cho quỹ khuyến học; thống nhất hàng năm sau khi tổ chức hội làng, làng trích sang ủng hộ quỹ khuyến học 5 triệu đồng làm phần thưởng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo trong thôn.

Đối với phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng thì lại có cách làm khác. Phường đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phường, từ các chi bộ đảng, ban công tác mặt trận, các cụm dân cư tham gia hoạt động khuyến học. Đến nay, toàn phường có 22 chi hội khuyến học cụm dân cư, 8 chi hội trường học, có 7 nhà văn hóa làm trụ sở cho các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tổ chức sinh hoạt và học tập chuyên đề thường xuyên cho người dân.

Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phong trào khuyến học trên địa bàn Hà Nội thời gian qua


Những năm qua, phong trào khuyến học ở xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) đã phát triển mạnh mẽ, phủ kín các thôn, xóm và trường học. Toàn xã có 15 chi hội khuyến học thôn, 3 chi hội khuyến học trường học, 13 chi hội khuyến học của các dòng họ, 90% gia đình trong xã đạt GĐHH. TTHTCĐ của xã được UBND xã đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia sinh hoạt. Quỹ khuyến học hàng năm có hơn 480 triệu đồng để khen thưởng học sinh, sinh viên giỏi, giáo viên giỏi, học sinh nghèo. Chất lượng giáo dục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong xã được nâng cao, kinh tế, xã hội ngày càng phát triển. Hiện nay, xã có 2 phó giáo sư, 8 tiến sỹ, 33 thạc sỹ, gần 2.000 sinh viên đại học, cao đẳng.

Chi hội khuyến học thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) từ 10 năm nay đã duy trì đều đặn hoạt động khuyến học, khuyến tài với nhiều nội dung và hình thức đa dạng. Hàng năm, Chi hội đã phối hợp với nhà trường, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội giáo chức khen thưởng thầy và trò có thành tích trong giảng dạy và học tập; tổ chức hoạt động hè và sinh hoạt tập thể bổ ích cho học sinh. Đáng ghi nhận, Chi hội đã phối hợp với hội người cao tuổi vận động thành công việc bỏ tục lệ làm cỗ khao mừng thọ, từ đó các cụ lại dành một phần tiền tiết kiệm để ban lộc cho cháu, chắt và ủng hộ quỹ khuyến học... Đến nay, thôn Đặng Giang có 11 giáo sư, tiến sỹ, 30 thạc sỹ, 410 người có bằng đại học. Khuyến học đã thực sự góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn của Đặng Giang.

Có thể nói, trên địa bàn Thủ đô còn rất nhiều, rất nhiều điển hình trong phong trào khuyến học mà trong khuôn khổ bài viết này chưa thể nêu hết được. Chỉ biết rằng, qua mỗi cách làm hay, linh hoạt và đầy sáng tạo của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi địa phương cho thấy tất cả đều thấu hiểu quan điểm “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, tất cả đều mong muốn xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Hưng Thịnh