Phát huy vai trò công nhân, viên chức, lao động nữ: Nhiều rào cản cần dỡ bỏ

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 28/02/2013

(HNM) - Chiếm khoảng 50% lực lượng lao động, đội ngũ nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) không chỉ nỗ lực vươn lên khẳng định mình, xóa bỏ khoảng cách về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ so với CNVC-LĐ là nam giới, mà còn nổi bật với vai trò

Cần có cơ chế, chế tài cụ thể để nữ CNVC-LĐ có thể phát huy tối đa khả năng trong công việc và các hoạt động xã hội. Ảnh: Viết Thành


Nở rộ những bông hoa "Hai giỏi"

Chị Bùi Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non B Hà Nội, đã gắn bó với nhà trường 30 năm. Từ một giáo viên, chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và được bầu làm tổ trưởng tổ chuyên môn, rồi được tín nhiệm bầu làm hiệu phó, hiệu trưởng nhà trường. 18 sáng kiến kinh nghiệm, tiêu biểu như: "Giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng thường xuyên", "Kinh nghiệm chỉ đạo hoạt động phát triển thể lực cho trẻ thông qua hội thi chúng cháu vui khỏe", "Kinh nghiệm tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục chất lượng cao ở Trường Mẫu giáo Mầm non B"… của chị được đánh giá cao. Không chỉ xây dựng Trường Mầm non B Hà Nội liên tục được nhận bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND TP Hà Nội và Sở GD-ĐT Hà Nội, chị Hải còn liên tục đạt danh hiệu "Hai giỏi" vì làm tốt vai trò "người giữ lửa".

Trong lực lượng lao động nữ Thủ đô, còn có rất nhiều bông hoa "Hai giỏi". Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 1 (thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội), vừa được trao tặng danh hiệu "Công dân ưu tú Thủ đô" năm 2012. 19 năm qua, chị Hiền liên tục hoàn thành vượt mức khối lượng công việc được giao và đạt giải cao trong Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh các cấp. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình nuôi hai con nhỏ nhưng chị Hiền vẫn liên tục đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Hoặc đó là Phan Thị Kim Ngân, thợ may bậc 3/6 Công ty cổ phần Dệt 10-10. Hơn 10 năm làm việc, chị luôn tìm cách cải tiến, hợp lý hóa thao tác may, loại bỏ thao tác thừa, tìm ra cách làm mới nên năng suất thường vượt 120% so với định mức…

Chính sách đặc thù - đã có nhưng chưa được coi trọng

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng đánh giá, lực lượng nữ CNVC-LĐ đang ngày càng tiến bộ, nhất là từ khi các phong trào như: "Xây dựng người cán bộ công chức trung thành - sáng tạo - tận tụy - gương mẫu"; "Thi đua lao động sáng tạo"; "Giỏi việc nước,  đảm việc nhà"; "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH" ... được triển khai mạnh mẽ. Bà Nguyễn Giang Tuệ Minh, Phó Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam cũng cho biết, chiếm gần 40% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và lao động với trên 36.000 đoàn viên, đã có hơn 24.000 nữ CNVC-LĐ đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; 75% chị em đã tham gia học tập nâng cao trình độ, kiến thức bằng nhiều hình thức; trong đó 28.000 nữ CNVC-LĐ tốt nghiệp ĐH; 14.000 nữ CNVC-LĐ có trình độ cao hơn và giữ chức vụ chủ chốt các cấp.

Dù đạt nhiều thành tựu khả quan, nhưng hoạt động công tác nữ CNVC-LĐ còn nhiều hạn chế và rào cản. Theo bà Nguyễn Thị Yên, Phó Chủ tịch Công đoàn xây dựng Việt Nam, trình độ văn hóa của nữ CNVC-LĐ ngành xây dựng không đồng đều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, chị em ít có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến tình trạng dễ bị mất việc làm. Ở Hà Nội, bà Đào Minh Đức, Trưởng ban Nữ công LĐLĐ TP cho biết, tỷ lệ nữ CNVC-LĐ chiếm hơn 50% trong tổng số 1,5 triệu CNVC-LĐ Thủ đô, trong đó trên 80% chị em đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Cấp cơ sở có trên 50% chị em giữ các chức vụ chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị. Nhưng hiện nay, trình độ văn hóa, tay nghề, hiểu biết pháp luật của CNLĐ Thủ đô còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH. Riêng ở các khu công nghiệp và chế xuất, khoảng 70% CNLĐ mới chỉ biết mà chưa hiểu rõ về pháp luật lao động, mặc dù đây là luật liên quan đến quyền lợi "sát sườn" của họ. Tỷ lệ nữ CNVC-LĐ chưa qua đào tạo, chưa tích cực học tập nâng cao trình độ, hoặc có tâm lý an phận còn ở mức cao.

Tại nhiều hội thảo về vai trò, hiệu quả công tác, lao động của nữ CNVC-LĐ, nhiều lãnh đạo, cán bộ Công đoàn và Nữ công từ trung ương đến địa phương băn khoăn, các chính sách đặc thù cho nữ CNVC-LĐ đã có nhưng chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm. Ví dụ, năm 2011, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã triển khai đề tài khoa học "Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho LĐ nữ trong khu công nghiệp và vai trò của Công đoàn", nhưng khảo sát mới đây cho thấy, 42,9% nữ công nhân vẫn "đói" kiến thức về sức khỏe sinh sản.

Để thực hiện tốt các nội dung về công tác nữ, Công đoàn các cấp kiến nghị, trước hết phải có sự tham gia, hỗ trợ của các cấp, các ngành và có cơ chế cụ thể cho các hoạt động về công tác nữ; đồng thời có chế tài ràng buộc để người đứng đầu, người sử dụng lao động có sự quan tâm đúng mức và nghiêm túc thực hiện các nội dung, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Linh Nhi