22 ngân hàng không thu phí ATM nội mạng
Kinh tế - Ngày đăng : 15:20, 27/02/2013
Xếp hàng chờ rút tiền ATM. Ảnh minh họa |
Trong đó có 2 đơn vị xây dựng mức thu từ 200-500 đồng/lần giao dịch nội mạng, 10 đơn vị thu ở mức tối đa (1.000 đồng/lần giao dịch), 22 ngân hàng còn lại thông báo miễn phí dịch vụ này.
Mặc dù ngân hàng thu phí giao dịch nội mạng ATM nhưng ông Tiên cũng cho rằng để khẳng định sẽ không còn hiện tượng xếp hàng chờ rút tiền hoặc ATM bị trục trặc thì không ai dám chắc chắn 100% bởi đối với dịch vụ ATM, chất lượng dịch vụ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của bản thân ngân hàng mà còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan khác như: Chất lượng các dịch vụ tiện ích bổ trợ cho dịch vụ thẻ như điện, viễn thông và áp lực giao dịch rút tiền dồn vào thời điểm trả lương, dịp lễ, tết…
Liên quan đến việc thu phí nội mạng ATM, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trung bình ngân hàng phải chi 7.000-9.000 đồng cho mỗi lần giao dịch ATM. Vì thế, dù quy định mức phí giao dịch nội mạng rút tiền mặt tối đa là 1.000 đồng/giao dịch kể từ ngày 1-3, ngân hàng vẫn lỗ tới 6.000 đồng mỗi lần giao dịch.
Theo quy định tại Thông tư 35 về thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, kể từ 1-3 này, các ngân hàng được thu phí rút tiền mặt với các giao dịch nội mạng. Mức phí áp dụng trong năm 2013 là 0-1.000 đồng/giao dịch, 0 - 2.000 đồng/giao dịch trong năm 2014 và 0- 3.000 đồng/giao dịch từ năm 2015 trở đi.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu đặt ra của việc quy định thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa là nhằm dung hòa lợi ích giữa khách hàng với ngân hàng, hướng đến sự phát triển bền vững của dịch vụ ATM tại Việt Nam, phục vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ.
Số liệu từ Hiệp hội thẻ Việt Nam cho thấy, đến đến cuối năm 2012, cả nước có trên 54 triệu thẻ, trong đó gần 51 triệu (chiếm 95%) là thẻ ghi nợ nội địa; số lượng máy ATM trên toàn quốc đạt khoảng 15.000 máy.