Các trường chủ động trong chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ
Giáo dục - Ngày đăng : 07:15, 26/02/2013
Trường nào cũng lúng túng
Năm 2010, theo mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đề ra, 100% các trường ĐH, CĐ phải hoàn tất việc chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên, thời điểm đó mới có khoảng 40 trường đưa phương thức này vào áp dụng, chỉ chiếm 10% tổng số các trường. Trong số đó nhiều đơn vị cũng chỉ thực hiện một cách hình thức chứ chưa đi vào thực chất. Bộ GD-ĐT đã nhìn nhận những bất cập trong việc nóng vội đưa phương thức đào tạo tín chỉ vào áp dụng rộng rãi và các trường đã không còn bị thúc giục một cách gắt gao. Hai năm đã trôi qua, điều đáng chú ý là không chỉ có các trường mới thực hiện kêu khó, mà nhiều trường đi tiên phong trong đào tạo tín chỉ hàng chục năm nay vẫn cho rằng chưa đủ điều kiện thực hiện, thậm chí đứng ngoài "trào lưu tín chỉ".
Nhiều trường đại học vẫn lúng túng khi thực hiện hình thức đào tạo tín chỉ. |
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Hữu Dư đặt vấn đề, liệu hình thức đào tạo này có phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam hay không, bởi có sự khập khiễng rất lớn do mâu thuẫn giữa sự cứng nhắc trong thi tuyển đầu vào và sự linh hoạt trong đào tạo theo tín chỉ. "Theo tôi, nếu muốn đào tạo theo tín chỉ như các nước thì "đầu vào" chỉ cần "đánh trống ghi tên", sau đó phân vào các chuyên ngành đào tạo, nhưng chúng ta đang làm ngược lại… Hiện phần lớn các trường vẫn tổ chức theo kiểu cắt giảm giờ học, tập trung sinh viên ngồi lại với nhau. Vì vậy việc đào tạo tín chỉ những năm vừa qua không được hiệu quả", ông Dư khẳng định và cho rằng khi đưa phương pháp đào tạo tiên tiến từ nước ngoài này vào Việt Nam, cần phải có sự cải tiến cho phù hợp.
Nhiều trường đồng tình với ý kiến của bà Đào Thị Thu Giang, Hiệu phó Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng rào cản lớn nhất mà các trường phải vượt qua là vấn đề bảo đảm đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc chuyển đổi đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ (chuyển thang điểm 10 với hệ số sang thang điểm 4 với hệ chữ) đang làm mất đi độ chính xác và giá trị của việc đánh giá phân loại sinh viên. Cách phân loại theo chữ A, B, C, D, F làm cho việc đánh giá không thực chất vì sinh viên dễ được xếp loại cao hơn cách đào tạo niên chế.
Sẽ không bị ép "chín"
Nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH Lâm Quang Thiệp khái quát rằng, sự thiếu hiệu quả của đào tạo theo tín chỉ là do các trường đã không thực hiện phương pháp sư phạm tích cực, không chú trọng đến phương pháp dạy và học. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng thừa nhận, việc chuyển đổi mới chỉ mang tính cơ học, chuyển đơn vị đo khối lượng học tập và chương trình đào tạo từ niên chế sang hệ thống tín chỉ ở hình thức, không thay đổi nhiều về nội dung chương trình đào tạo.
Để việc đào tạo theo tín chỉ có hiệu quả, nhất là đối với các trường ngoài công lập và mới nâng cấp, đại diện một trường ngoài công lập kiến nghị Bộ GD-ĐT nên đứng ra thực hiện phần mềm dùng chung để thiết kế chương trình học, trong đó có các mô-đun mở để các trường phát triển thêm phù hợp với thực tế của mình. Đó là bởi đào tạo theo tín chỉ là phải thiết kế chương trình học mềm dẻo cho các khối, nhất là khối tự chọn. Hiện nhiều trường đang gặp khó khăn trong việc này. Về đội ngũ giảng viên, có đại biểu thẳng thắn: Sẽ không thể thực hiện được đào tạo tín chỉ nếu không có sự thay đổi về lương cho giảng viên. Lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm mở rộng khuôn viên cho các trường. Học viện Phòng không - Không quân thì kiến nghị Bộ GD-ĐT nên tập trung các chuyên gia để tổ chức tập huấn cho các trường về đào tạo tín chỉ, qua đó tạo sự thống nhất giữa các cơ sở đào tạo.
Về lộ trình chuyển sang tín chỉ, ông Lâm Quang Thiệp cho rằng, trước mắt, chỉ những trường đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và có phương pháp dạy tốt mới nên đưa việc này vào áp dụng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng khuyến khích các trường chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất trước khi tổ chức đào tạo tín chỉ chứ không làm đồng loạt, máy móc: Tôi không tin có thể đào tạo đồng loạt tín chỉ khi mà đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, hệ thống tài liệu chưa đủ và chưa thay đổi, khi cơ chế tổ chức quản lý chưa thay đổi. Cùng với việc tăng chỉ số đào tạo tín chỉ, lương giáo viên cũng phải tăng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định phương thức đào tạo này sẽ không bị ép "đẻ non", không làm giả dối để bị mang tiếng xấu do không được làm đúng.