Ma trận?

Đời sống - Ngày đăng : 06:57, 26/02/2013

(HNM) - Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tình trạng nhân thân của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và thực hiện quản lý về dân cư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, đang áp dụng hiện nay ngoài 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) thì cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài đều có thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Sở dĩ có sự phân tán thẩm quyền nhiều nơi như vậy là do phụ thuộc vào nơi cư trú, đối tượng yêu cầu đăng ký, loại sự kiện hộ tịch và tính chất phức tạp của sự kiện hộ tịch được yêu cầu đăng ký. Điều này nhiều khi làm cho người yêu cầu đăng ký lúng túng vì không rõ trường hợp của mình phải đăng ký ở cơ quan nào. Cũng không hiếm trường hợp cán bộ "một cửa" tiếp nhận hồ sơ hành chính lĩnh vực hộ tịch cũng lúng túng, nhất là với hồ sơ về hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

Còn nhớ đoàn kiểm tra đột xuất công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội từng phát hiện tại bộ phận "một cửa" của một UBND phường của quận Thanh Xuân có trường hợp đã tiếp nhận đầy đủ hồ sơ của công dân theo quy định của pháp luật nhưng cả tuần sau vẫn chưa giải quyết và cũng không thông báo với công dân lý do. Cán bộ thụ lý hồ sơ giải thích với đoàn kiểm tra là chưa giải quyết vì… hồ sơ có liên quan đến yếu tố nước ngoài và chưa biết xử lý thế nào. Điều đáng nói là sự lúng túng đó cũng không phải là trường hợp hiếm xảy ra đối với cả cán bộ và người dân.

Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết. Các sự kiện hộ tịch cơ bản của mỗi cá nhân được đăng ký và quản lý trong sổ hộ tịch bao gồm: khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, giới tính... Tức là số lượng giao dịch liên quan đến hộ tịch diễn ra thường xuyên nhưng đang chịu sự điều chỉnh của một "rừng" quy định. Ngoài những quy định có tính nguyên tắc liên quan đến hộ tịch và đăng ký hộ tịch tại Bộ luật Dân sự năm 2005 (quy định về quyền nhân thân), Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 (quy định về quyền đăng ký khai sinh và có quốc tịch), Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (quy định về kết hôn; nhận cha, mẹ, con), Luật Nuôi con nuôi năm 2010, còn có tới 6 nghị định, 1 thông tư liên tịch và 5 thông tư điều chỉnh trực tiếp trong lĩnh vực hộ tịch.

Dự kiến, Luật Hộ tịch sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội năm 2013. Do đó, đây sẽ là thời điểm phù hợp để các cơ quan chức năng nghiên cứu để xây dựng Luật Hộ tịch sao cho phù hợp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất về đăng ký và quản lý hộ tịch trong toàn quốc. Trong đó, không thể không tính đến việc đơn giản hóa thủ tục và phân cấp hợp lý để tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân khi thực hiện các giao dịch.

Phong Thu