Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục phổ thông ở Hà Nội
Giáo dục - Ngày đăng : 06:41, 26/02/2013
Những năm qua, tỷ lệ học sinh Hà Nội tốt nghiệp THPT tăng từ 88,28% (năm 2009) lên 98,24% (năm 2012). Chất lượng giáo dục của Hà Nội có bước phát triển vượt bậc, liên tục là đơn vị dẫn đầu cả nước. Bên cạnh đó, công tác GD-ĐT vẫn còn hạn chế như tình trạng quá tải ở một số trường điểm; chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ở các vùng còn khoảng cách; công tác phổ cập giáo dục bậc trung học còn gặp khó khăn.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi về một số vấn đề như chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất; đánh giá về nội dung sách giáo khoa, chương trình giảng dạy; hoạt động dạy thêm học thêm, điều kiện tiếp cận giáo dục giữa các địa bàn... Qua thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đề nghị, Hà Nội cần tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách triển khai hiệu quả mô hình giáo dục chất lượng cao theo tinh thần Luật Thủ đô, phù hợp với thực tiễn, góp phần hạn chế những bất cập, tiêu cực trong GD-ĐT.
Kiến nghị với Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, Quốc hội nên tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực GD-ĐT nhằm kịp thời phát hiện, ghi nhận những ý kiến đóng góp để điều chỉnh chính sách cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Riêng với Thủ đô Hà Nội, chính sách, pháp luật về GD-ĐT càng cần phải được hoàn thiện, cụ thể, sát thực, phù hợp với điều kiện của thành phố để nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri.