Palestine - Khát vọng hòa bình

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:55, 25/02/2013

LTS: Ít người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung biết đến Palestine và cái tên Palestine chỉ gợi lên bạo lực và bom đạn. Nhưng qua chuyến công tác, chúng tôi đã có cái nhìn cận cảnh về một Palestine hoàn toàn khác...

Bài 1: Xa xăm đường đến Palestine

Tránh việc phải ăn trực nằm chờ đến vài ngày ở Jordan như những nhà báo đầu tiên của Việt Nam tới Palestine năm 2011, chuyện chuẩn bị thủ tục để xin giấy phép nhập cảnh từ chính quyền Israel cho đội bóng đá U19 Việt Nam sang Palestine thi đấu trong giải bóng đá quốc tế Al-Nakba cùng một số phóng viên đã được Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam chuẩn bị trước khá lâu.

Cánh cửa đầu tiên

Những tờ giấy phép được viết bằng ba thứ tiếng Hebrew của người Do Thái, Arab và tiếng Anh được nhân viên sứ quán vội vã chuyển tới cho các thành viên trong đoàn ngay tại sân bay Nội Bài. Như vậy, vấn đề khó khăn nhất coi như đã được giải quyết. Chúng tôi an tâm bắt đầu cuộc hành trình với niềm tin sẽ không gặp thêm trở ngại nào nữa.

Người dân Palestine gặp không ít phiền toái khi đi lại trên quê hương mình.


Những tia nắng mỏng manh vắt qua ô cửa kính máy bay đã đánh thức chúng tôi sau chuyến bay đêm dài hơn 8 tiếng. Sân bay quốc tế Queen Alia tại thủ đô Amman của Jordan nhuộm trong một màu vàng nhàn nhạt của nắng, của đất với những mái nhà không lớn và thấp đặc trưng Trung Đông. Nhẹ nhõm và phấn chấn là cảm giác đầu tiên vì từ đây tới Palestine không còn xa nữa.

"Các bạn chờ khoảng nửa tiếng nữa nhé, nhân viên sứ quán đang cố gắng giải quyết với phía Jordan. Thực ra là thế này, danh sách đoàn để xin thị thực nhập cảnh tại cửa khẩu đã được gửi trước cho nhà chức trách Jordan, nhưng nhân viên tiếp nhận đã quên không thông báo lại và hiện anh ta đã đi nghỉ cùng gia đình nên mọi thứ phải làm từ đầu...", sau cuộc nói chuyện qua điện thoại với Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama chúng tôi mới hiểu được lý do tại sao phải chờ đợi. 3 tiếng, 4 tiếng ì ạch trôi qua. Chỉ khổ cho hai nhân viên sứ quán Palestine tại Jordan, hết quay ra lại quay vào. Thỉnh thoảng, họ lại đưa điện thoại cho ai đó trong số chúng tôi để nói chuyện với Đại sứ Saadi Salama. Một bên không nói tiếng Anh, bên kia không hiểu tiếng Arab, Đại sứ là "thông tin viên" duy nhất để chúng tôi nắm được tình hình. Một phương án đã được đưa ra là nếu việc giải quyết thủ tục kéo dài quá lâu, cả đoàn sẽ ở lại Amman một đêm, sáng hôm sau mới lên đường tới Palestine.

Bình minh ở Ramallah. Không khí mỏng tang và nhẹ bẫng. Tiết trời se lạnh, phảng phất trong những cơn gió dìu dịu là mùi ngai ngái của cỏ cây và một chút hơi lạnh hoang dại của đá. Giống như tất cả các thành phố khác ở Palestine, đá tạo nên linh hồn của Ramallah, đá mang lại cảm giác về sự pha trộn giữa cổ kính và hiện đại, giữa mộc mạc và trau chuốt, giữa thô ráp và duyên dáng. Men theo những con dốc uốn lượn, những ngôi nhà hoàn toàn bằng đá nép quanh các quả đồi thấp khiến Ramallah nên thơ đến lạ kỳ, trong sự yên ả và thanh bình. May thay, đêm đầu tiên trong hành trình đáng nhớ của chúng tôi đã được ghi dấu tại thành phố mà tên gọi của nó đã đầy thành kính "Đất của Chúa". Việc chờ đợi tại sân bay ở thủ đô Amman đã kết thúc sau hơn 6 tiếng. Thêm vào đó là một số thủ tục tại hai cửa khẩu biên giới King Houssian Brigde bên phía Jordan xác nhận việc ra khỏi lãnh thổ vương quốc này và Allenby do Israel kiểm soát để "nhập cảnh" vào Palestine.

Đúng như một bạn đồng nghiệp của tôi đã từng viết, cũng chẳng có gì đáng nói nhiều trong "lễ vượt qua" đường biên đặc biệt này, ngoài việc, chốc chốc chiếc xe chở chúng tôi phải dừng lại để người lái xe trình bày gì đó với những người lính Israel. Tính tổng cộng, ngay sau cửa khẩu biên giới chính có tới 4 trạm kiểm soát của người Do Thái được đặt khá sát nhau. Không ghi hình, không chụp ảnh và phải tuyệt đối tuân thủ mọi chỉ dẫn, chúng tôi đã được dặn dò khá kỹ trước khi lên đường. Thế nhưng, cũng không vì thế mà có thể xóa bỏ được cảm giác căng thẳng đôi chút mỗi khi phải đối diện với những người lính Israel cao lớn, rất trẻ và lăm lăm súng trên tay tại mỗi chốt an ninh.

Nỗi đau ly tán

Thực ra không chỉ với người ngoại quốc, mà ngay cả đối với người dân Palestine, việc đi nước ngoài, thậm chí là di chuyển ngay tại quê hương mình cũng là cả một vấn đề. Kể từ sau cuộc chiến 6 ngày tại Trung Đông năm 1967, người Palestine đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát các khu vực biên giới, biển và cảng biển. Việc ra hay vào miền đất này phải được sự chấp thuận của chính quyền Israel. Do vậy mà mới có chuyện một số đồng nghiệp của chúng tôi từng phải "cố thủ" ở Jordan đến 5 ngày để chờ đợi tấm giấy thông hành từ chính quyền Do Thái.

Thế nhưng, đó chẳng phải là chuyện hiếm. Hậu quả của nhiều thập kỷ không có độc lập để lại cho người Palestine nhiều phiền toái. Không chỉ ngày ngày đối diện với những trạm kiểm soát dưới mặt đất, bầu trời Palestine như một vùng "cấm bay" rộng lớn. Tất tật, từ khách nước ngoài đến cư dân bản địa, cánh cửa ra bên ngoài duy nhất từ Bờ Tây là Jordan và từ Dải Gaza là Ai Cập. Đương nhiên, việc đi nhờ "nhà hàng xóm" chẳng dễ chịu. Ngoài những sự cố lúc nào cũng có thể xảy ra thì vấn đề tài chính cũng rất đáng lưu tâm. Trung bình, cứ mỗi lần ra khỏi lãnh thổ Palestine, một người phải trả chừng 52 USD cho chính quyền Israel và khoảng 20 USD cho Jordan để nhập cảnh Palestine. Sự di chuyển giữa hai vùng lãnh thổ Bờ Tây và Dải Gaza còn lạ lùng hơn nữa. Sau những mâu thuẫn cực điểm giữa Israel và nhóm Hamas hiện đang kiểm soát Gaza, dải đất này bị phong tỏa. Do vậy, để đến được Bờ Tây, thay vì quãng đường chỉ vỏn vẹn 40km, người Palestine sẽ phải vượt đoạn đường chừng 1.600km, bắt đầu từ Ai Cập, sau đó lên máy bay đến Jordan rồi tuân thủ quy trình nhập cảnh phức tạp. Tương tự như vậy, một chu trình ngược lại sẽ được áp dụng với những người ở Bờ Tây. Cảnh gần nhà xa ngõ không những đem đến nhiều phiền toái mà còn là ngọn nguồn của sự xa cách và ly tán, nhấn sâu thêm những khó khăn cho quá trình hòa hợp dân tộc của người Palestine.

Nhưng dù đường có xa xôi, cách trở đến mấy, có hàng triệu người Palestine vẫn đang khắc khoải đợi ngày trở về. Tôi bị ám ảnh bởi những câu nói của Abdullah, nhân viên Đại sứ quán Palestine ở Hà Nội khi anh ra tiễn đoàn Việt Nam tại sân bay Nội Bài.
- Mừng quá các bạn sẽ đến Palestine nhé. Tôi ước được như mọi người.
- Sao anh? Lâu quá anh chưa về Palestine à?
- Tôi chưa từng về vì không được phép…

Sinh ra tại Lebanon, Abdullah chưa một lần được đặt chân đến quê hương. Người vợ Việt Nam, hai cậu con trai và một con gái nhỏ mang hai dòng máu Palestine - Việt Nam của anh cũng vậy, họ chưa từng một lần được biết đến quê nội. Abdullah chỉ là một trong 5 triệu người Palestine đang lưu vong khắp nơi trên thế giới. Sau hàng loạt những vụ thảm sát người Do Thái của Đức quốc xã trong Thế chiến II, năm 1947, LHQ đã ra Nghị quyết 181, trao cho người Israel một quốc gia riêng biệt trên 52,2% lãnh thổ của người Palestine Arab. Cũng bắt đầu từ đó, một dân tộc khác lạc vào kiếp sống tha hương. Lời hứa sẽ thành lập một nhà nước cho người Palestine trên 47,8% lãnh thổ còn lại của tổ tiên họ trong vòng 2 năm của bản Nghị quyết 181 sau hơn 60 năm vẫn chưa thành hiện thực.

Vân Khanh