Tan “giấc mơ” mạng ảo
Xe++ - Ngày đăng : 06:41, 25/02/2013
Tại thời điểm tháng 6-2010, trong lễ nhận giấy phép cung cấp dịch vụ mạng di động ảo, lãnh đạo Công ty VTC Digicom - đơn vị thành viên của VTC được giao triển khai giấy phép cho biết, cuối năm 2010 sẽ cung cấp dịch vụ mạng di động ảo dựa trên hợp tác với EVN Telecom. Theo đó, VTC sẽ cung cấp dịch vụ 3G trên hạ tầng của EVN Telecom và đàm phán roaming với các mạng 2G trong nước để triển khai dịch vụ tới những vùng mà sóng của EVN Telecom không tới. Giới truyền thông khi đó cũng bị thuyết phục về thông tin này, vì trước đó đã được chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác VTC và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… Nhưng, mọi chuyện lại không diễn ra theo dự định, EVN Telecom làm ăn thua lỗ và kết cục là phải sáp nhập vào Viettel vào cuối năm 2011 theo chỉ đạo của Chính phủ. Mối lương duyên mạng ảo VTC-EVN Telecom "đứt gánh" giữa đường.
Thiếu cơ sở hạ tầng, mạng di động ảo của VTC có nguy cơ bị thu hồi giấy phép. Ảnh: Đức Anh |
Về lý thuyết, để cung cấp dịch vụ, VTC phải tìm đối tác khác. Chẳng hạn - trừ S-Fone đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng - VTC hoàn toàn có thể đàm phán với 4 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone và Vietnamobile. Song, đến nay các thông tin cho thấy khả năng VTC tìm được mạng di động "bán buôn" lưu lượng cho mình dường như là không thể. Vì, thị trường viễn thông Việt Nam vốn được đánh giá là cạnh tranh khốc liệt, lại đang trong thời kỳ bão hòa, bản thân các nhà mạng có hạ tầng còn đang gặp không ít khó khăn, vậy còn đâu "đất" cho mạng ảo.
Một giả thuyết nữa được đặt ra, nếu tìm được đối tác là một mạng di động nào đó để triển khai dịch vụ thì VTC cũng phải đối mặt với bài toán hiệu quả kinh tế khi mà doanh thu bình quân trên thuê bao di động đang ở mức thấp. Vậy, với mạng ảo đi mua lại hạ tầng, doanh thu/thuê bao sẽ là bao nhiêu?! Nhà đầu tư VimpelCom (Liên bang Nga) đã phải "chạy" khỏi thị trường Việt Nam bằng cách bán tháo lại cổ phần với giá 45 triệu USD sau khi đã đầu tư hơn nửa tỷ USD xây dựng hạ tầng mạng Beeline (nay là Gmobile) vì họ không còn nhìn thấy cơ hội kinh doanh khi mà doanh thu/thuê bao quá thấp… Trước VTC, Đông Dương Telecom cũng đã phải chấp nhận bị thu hồi giấy phép mạng ảo vì không thể triển khai dịch vụ khi mà "cửa" để tồn tại là không thể. Trong một số cuộc họp tại Bộ Thông tin và Truyền thông gần đây, lãnh đạo Công ty VTC Digicom cũng từng chia sẻ về việc thị trường viễn thông đã cạnh tranh quá mức, đã giảm sự hấp dẫn và doanh nghiệp không còn nhìn thấy lợi nhuận để đầu tư vào. Trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng mới đây, tân Chủ tịch VTC cũng cho biết, VTC định hướng sẽ phát triển các dịch vụ trên hạ tầng có sẵn và sẽ có báo cáo trả lời Bộ về giấy phép mạng di động ảo trong quý I năm nay…
Như vậy, câu chuyện VTC có hay không triển khai cung cấp dịch vụ mạng ảo chắc sẽ sớm sáng tỏ. Từ những phân tích như trên cho thấy, bài toán kinh doanh là một yếu tố quan trọng và "cửa" VTC gia nhập thị trường là không còn. Hơn nữa, còn một lý do được đưa ra để minh chứng cho việc rất khó để VTC triển khai giấy phép mạng di động ảo đó là bản thân doanh nghiệp này thời gian tới thực hiện đề án tái cơ cấu, trong đó có việc phải xử lý những vấn đề liên quan đến các tồn tại về tài chính nhằm ổn định hoạt động kinh doanh… Nếu VTC bị rút giấy phép, câu chuyện về có mạng di động ảo hoạt động tại thị trường viễn thông Việt Nam đã chấm hết.