Các dự án đường cao tốc trọng điểm: Nỗ lực về đích đúng hẹn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 25/02/2013
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (dài 264km, đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc, một hợp phần trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng). Đây là dự án giao thông trọng điểm đang có nguy cơ chậm tiến độ.
Trên công trường xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Minh Hiếu |
Đại diện Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC (chủ đầu tư) cho biết, dự án có 8 gói thầu thì 6 gói do các nhà thầu Hàn Quốc thi công. Điều đáng nói là năng lực của một số nhà thầu rất hạn chế, đặc biệt là Keangnam. Điển hình là 2 gói thầu A4 và A5 do Keangnam thi công, theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm 2013, nhưng tiến độ thi công rất chậm. Dù những tháng gần đây tiến độ đã được cải thiện, nhưng vẫn không bảo đảm yêu cầu. Nếu không có giải pháp đốc thúc quyết liệt và điều chuyển bớt khối lượng, tăng thêm nhà thầu, khó có thể hoàn thành đúng yêu cầu.
Với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (dài 105km, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI làm chủ đầu tư, sau khi giải quyết được hai vướng mắc lớn là xử lý kỹ thuật nền đất yếu và giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay dự án đã có bước chuyển biến đáng kể. Khối lượng thi công toàn tuyến đã đạt khoảng 35%. Theo kỹ sư Trần Quang Nhật (thuộc VIDIFI), thời gian qua, hơn 3.000 công nhân với hơn 400 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài đã, đang làm việc tại công trường. Ngày cao điểm có gần 1.500 người làm việc. Hiện nay ở nhiều gói thầu, công nhân và các chuyên gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam vẫn làm việc liên tục ba ca. Tất cả đều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, lấy lại thời gian đã bị chậm vì GPMB và xử lý nền đất yếu, phấn đấu thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015.
Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (quốc lộ 3 mới), do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, dài 61,3km đi qua các địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Được khởi công vào tháng 12-2009, đoạn quốc lộ 3 mới chạy qua địa phận Thái Nguyên đến nay đã gần như hoàn thành phần nền đường, chỉ còn một điểm chưa giải phóng xong mặt bằng để thi công. Dự kiến đoạn đường này sẽ được thông xe vào cuối tháng 6-2013. Với đoạn chạy qua địa bàn Hà Nội và Bắc Ninh hiện vẫn còn một số điểm vướng GPMB làm chậm tiến độ chung toàn dự án. Trong khi đó, theo kế hoạch đến tháng 12-2013 đoạn đi qua Hà Nội và Bắc Ninh sẽ phải hoàn thành để thông toàn tuyến.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, thời gian còn lại của dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chỉ khoảng 10 tháng, nếu không có giải pháp kịp thời, hiệu quả, tiến độ sẽ kéo dài, làm giảm hiệu quả đầu tư công trình. Do đó, các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan chức năng của Bộ GTVT cần khẩn trương làm việc với nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để điều chuyển bớt khối lượng, tăng thêm nhà thầu có năng lực, tạm ứng thêm vốn để thúc mạnh tiến độ các gói thầu.
Với dự án quốc lộ 3 mới, Ban Quản lý dự án đốc thúc nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thiết bị thi công, đẩy nhanh tiến độ. Tới ngày 30-6-2013 phải thông xe gói thầu PK2 đoạn qua Thái Nguyên, làm tiền đề thông xe, đưa vào khai thác toàn bộ công trình vào cuối tháng 12-2013. Đối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư VIDIFI tăng cường lực lượng, huy động đủ nguồn vốn để hoàn thành cuối năm 2014. Rõ ràng, tiến độ, chất lượng các dự án phụ thuộc nhiều vào các nhà thầu thi công. Nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm mới thi công dự án đạt chất lượng và hiệu quả. Đồng thời với việc đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư, tư vấn phải siết chặt quản lý chất lượng. Đây là những thử thách không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.