Liên kết giữ vai trò then chốt
Kinh tế - Ngày đăng : 06:13, 25/02/2013
Đối với các tỉnh phía Bắc, việc triển khai mô hình này còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Đơn cử như Thanh Hóa mới đạt 300ha, Nam Định 565ha, Thái Bình 100ha… Đánh giá mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiệu quả của mô hình CĐML mang lại cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Tại tỉnh Trà Vinh, năng suất lúa trung bình từ các mô hình CĐML đạt 7,23 tấn/ha, tổng lợi nhuận bình quân từ 26 đến 27 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm so với ngoài mô hình là hơn 7 triệu đồng/ha. Có được kết quả như vậy là nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất, từng bước dịch vụ hóa các khâu trong sản xuất, từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ...
Không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng góp phần quyết định thành công của việc mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Mô hình CĐML được triển khai rộng rãi đối với sản xuất lúa giúp nhiều địa phương bước đầu hình thành các mô hình khép kín, từ sản xuất đến thu mua hoặc có liên kết của nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo hình thức khép kín. Nông dân hình thành nhận thức sản xuất lúa theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu tiêu thụ, chất lượng lúa gạo được nâng cao.
Hiện tại, phong trào xây dựng CĐML đang được triển khai rộng rãi trên tất cả các loại cây trồng. Thời gian tới, mô hình CĐML tiến tới vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu đạt đến 1.000.000ha là có thể thực hiện được. Tuy vậy, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, tạo mối liên kết tốt với nông dân và doanh nghiệp, khi triển khai mô hình.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, mô hình CĐML đang được nhân rộng, song vẫn còn nhiều mô hình chưa đồng bộ, từ hình thức liên kết đến các hoạt động triển khai. Vẫn còn quan niệm đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải thu mua lúa với giá cao. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu mối liên kết "bốn nhà" còn lỏng lẻo như hiện nay, thì mô hình khó có thể phát triển bền vững. Bởi hình thành được vùng sản xuất tập trung, cần kết nối được nông dân và doanh nghiệp, sự quan tâm kịp thời của Nhà nước và sự định hướng, tư vấn của các nhà khoa học. Mối quan hệ giữa nông dân - doanh nghiệp được gắn kết, mới giải được bài toán "đầu ra" cho sản phẩm. Trên thực tế đã xuất hiện không ít tình trạng doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng, ép giá nông dân khi giá lúa xuống thấp. Ngược lại, nông dân sẵn sàng phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp khi giá lúa cao. Do đó, giữa nông dân và doanh nghiệp phải có sự công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích về giá bán, giá mua, hợp đồng cung ứng, mà cả về lợi nhuận của hai bên. Hiện tại, có rất ít doanh nghiệp thu mua lúa gạo tham gia vào mô hình CĐML. Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cả nước có 153 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhưng số đơn vị tham gia xây dựng CĐML, nhất là hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tại Hà Nội, mô hình CĐML hình thành qua việc triển khai chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao. Năm 2012, tổng diện tích thực hiện mô hình khoảng 7.000ha. Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội cho biết, những người tham gia vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hỗ trợ đào tạo, tập huấn, tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài thành phố; hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu, xúc tiến thương mại, hợp tác "bốn" nhà. Dù sản phẩm lúa hàng hóa đang được tiêu thụ nhanh, giá bán cao, nhưng hầu hết nông dân vẫn tự tiêu thụ, ít có doanh nghiệp đứng ra thu mua để nông dân yên tâm mở rộng sản xuất.