Hiệu quả là đồng tiền được đầu tư đúng chỗ
Xã hội - Ngày đăng : 06:06, 24/02/2013
Những mục tiêu đó đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị cũng như triển khai các dự án an sinh xã hội. Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội Tô Thị Hạnh - về một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm đầu tư phát triển ở Thủ đô.
Giúp các doanh nghiệp cần như… cứu hỏa
- Thưa bà, khi nói tới một quỹ đầu tư có nghĩa là nói tới… đồng tiền, như vậy ở đây có thể hiểu là một đơn vị kinh doanh kiểu như các quỹ tín dụng, ngân hàng… hay là một đơn vị có chức năng quản lý nhà nước?
- Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội (Quỹ) là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, nằm trong khối ngành tài chính của Thủ đô với 4 chức năng nhiệm vụ cơ bản gồm: Ủy thác cho vay, cấp phát vốn đầu tư từ nguồn ngân sách; đầu tư trực tiếp và cho vay đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như các dự án phục vụ dân sinh trên địa bàn Hà Nội; huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội Tô Thị Hạnh. |
- Vậy bà nhận định như thế nào về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm mới Quý Tỵ 2013 này?
- Trước hết tôi xin chia sẻ khó khăn với các DN. Qua tiếp xúc và làm việc với các đơn vị, tôi cho rằng: Với bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước chưa qua khỏi giai đoạn suy thoái, các DN của chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi yếu tố thị trường đối với cả đầu vào và đầu ra. Trong khi nguồn lực tài chính của các DN rất thiếu và yếu thì nguồn vốn bị “thắt” chặt (cả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và nguồn vốn tín dụng), chỉ có các công trình trọng điểm được ưu tiên đầu tư còn hầu hết các dự án đều giãn, giảm tiến độ, thậm chí dừng việc thực hiện…
- Từ giữa năm 2012, Chính phủ đã có Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Sang đầu năm 2013, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP. Có thể thấy những biện pháp quyết liệt đã triển khai?
- Việc Nhà nước ban hành những chính sách ở tầm vĩ mô nhằm giúp DN vượt qua khó khăn trong lúc này là rất cần thiết. Tuy nhiên, một số giải pháp triển khai còn chậm, chưa giúp cho các DN được thụ hưởng kịp thời những ưu đãi. Nói cách khác, một số giải pháp chưa phát huy tối đa hiệu quả trong thực tế. Ví dụ như việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng còn chậm trong khi đó các điều kiện cho vay được thắt chặt để tránh nợ xấu. Vậy nên DN thì khó tiếp cận nguồn vốn, còn ngân hàng thì có tiền nhưng lại không dễ cho vay… Tóm lại, việc triển khai các giải pháp, chính sách còn phải đặt trong điều kiện thực tế của từng địa phương, từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
- Theo bà, cần phải làm như thế nào để khắc phục tình trạng trên?
- Việc tháo gỡ khó khăn cho các DN trong thời điểm hiện nay cũng phải nhanh như... cứu hỏa. Nên chăng các địa phương cần thành lập các tổ công tác “đặc nhiệm” để triển khai các chính sách, giải pháp một cách nhanh nhất, trực tiếp nhất và hiệu quả nhất.
- Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quỹ là hoạt động giải ngân vốn ngân sách thành phố ủy thác đối với các dự án nhà tái định cư theo cơ chế tín dụng và cơ chế đặt mua nhà bằng nguồn vốn điều lệ. Quỹ đã thực hiện công việc này ra sao?
- Năm 2012 chúng tôi đã thực hiện giải ngân với tổng số tiền là 1.000 tỷ đồng gồm 139 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở tái định cư và 21 dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho thành phố để tiếp tục triển khai các công trình trọng điểm. Hiện Quỹ đang tiếp tục thẩm tra giải ngân và theo dõi đối với 60 dự án đang triển khai thực hiện, trong đó có 50 dự án theo cơ chế tín dụng và 10 dự án đặt hàng mua nhà.
- Trong bối cảnh thực hiện giải ngân ở nhiều nơi, nhiều công trình, dự án tiến độ rất chậm, không đạt yêu cầu thì hoạt động này của Quỹ đã mang lại hiệu quả gì?
- Việc hoàn thành giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao của chúng tôi trong năm 2012 đã góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm thực hiện trên địa bàn thành phố. Lấy ví dụ việc giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi là rất khó khăn, nhưng không có quỹ đất sạch thì cũng không thể triển khai các dự án. Rồi chuyện bố trí quỹ nhà tái định cư. Để thực hiện một dự án phải triển khai đồng bộ rất nhiều vấn đề…
Đồng tiền… đi liền trách nhiệm
- Chúng tôi được biết, bắt đầu từ năm 2011, Quỹ được thành phố giao thêm nhiệm vụ cho vay đầu tư. Những dự án trong lĩnh vực nào có thể vay vốn từ Quỹ?
- Đây là các dự án thuộc loại hình an sinh xã hội. Về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông như đường giao thông, bãi đỗ xe, hạ ngầm cáp điện, hệ thống cấp nước… Các dự án hạ tầng xã hội như xây dựng bệnh viện, trường học… Dự án về môi trường như cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý rác thải, nước thải… Dự án về nông nghiệp nông thôn như lưới điện nông thôn, cấp nước nông thôn, xây dựng các vùng chuyên canh trồng hoa, rau màu… Và các dự án xây dựng nhà tái định cư, nhà ở cho công nhân thuê, nhà cho người thu nhập thấp…
- Có nghĩa, Quỹ cũng như các tổ chức tín dụng khác, nhưng khách hàng là các “đối tượng đặc biệt” được thành phố lựa chọn?
- Chúng tôi không có quyền lựa chọn đối tượng cho vay vì mục tiêu hoạt động của Quỹ là nhằm hỗ trợ việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Các dự án nêu trên đều có thể được vay vốn ưu đãi với thời gian trung và dài hạn tùy theo từng loại hình. Và như đã nói ở trên, Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, tuy nhiên khi cho vay vốn thì phải bảo đảm theo đúng các điều kiện cho vay tín dụng, theo các quy định và chế tài của pháp luật.
- Vừa là tổ chức tài chính nhà nước nhưng hoạt động ở khía cạnh này lại vừa như các ngân hàng, quỹ tín dụng. Điều đó có gì mâu thuẫn?
- Không có gì mâu thuẫn. Nhưng đúng là hoạt động của chúng tôi trong lĩnh vực cho vay vốn rất khó khăn. Các dự án nêu trên chủ yếu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, không đặt mục tiêu kinh doanh (không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất thấp). Đặc điểm chung của các dự án này là vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, huy động vốn khó khăn… Trong khi đó, năng lực về vốn để tham gia dự án của các chủ đầu tư rất hạn chế, không đủ năng lực tài chính (nguồn vốn đối ứng). Để dự án có tính khả thi và bảo đảm các quy định bắt buộc trong việc vay vốn, chúng tôi phải thẩm định kỹ dự án và năng lực của các chủ đầu tư. Từ đó phát hiện những khó khăn và tham mưu, đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ…
- Như vậy là phải thẩm định thật kỹ nếu không rất dễ dẫn đến thất thoát tiền bạc, nói cách khác là nợ xấu, không có khả năng thu hồi?
- Đúng như vậy! Do đó cũng có những “khách hàng” sau khi thẩm định đã không được vay vốn từ Quỹ.
- Vậy hiện nay tỷ lệ nợ xấu của Quỹ là bao nhiêu?
- Chúng tôi chưa để thất thoát một đồng nào trong số vốn thành phố giao, bảo đảm việc thu hồi công nợ.
- Bà có thể cho biết cụ thể hiệu quả cho vay đầu tư trong năm 2012?
- Chúng tôi đã thực hiện thẩm tra 25 dự án và báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo giải quyết cho vay đối với 11 loại hình dự án, tổng giá trị hợp đồng đã ký là 534 tỷ đồng. Việc giải ngân cho các dự án đạt khoảng 500 tỷ đồng, hoàn thành 125% kế hoạch đặt ra.
Đối tượng tiếp cận nguồn vốn có bị gây khó dễ?
- Như bà đã nói, chỉ các “đối tượng đặc biệt” mới có thể tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ. Tuy nhiên, không phải DN, chủ đầu tư nào cũng được Quỹ đáp ứng nhu cầu về vốn. Vậy ở đây có làm nảy sinh cơ chế xin - cho?
- Một đơn vị, DN để có Giấy chứng nhận đầu tư phải có báo cáo năng lực nhà đầu tư; phương án kiến trúc được phê duyệt; thỏa thuận thiết kế; giải trình kỹ thuật; phương án lựa chọn thiết bị, công nghệ; giải pháp về môi trường; phương án phòng, chống cháy nổ… Nói chung là liên quan tới nhiều cơ quan chức năng và trong quá trình thực hiện các thủ tục có thể xuất hiện cơ chế xin - cho. Nhưng với Quỹ, quan hệ của chúng tôi với các nhà đầu tư là có vay - có trả. Chúng tôi rất mong họ tiếp cận được nguồn vốn, thậm chí còn phải tìm hiểu và đi giới thiệu rằng họ đủ điều kiện vay vốn đầu tư tại Quỹ.
- Nhưng lại không thể cho vay vốn một cách tùy tiện?
- Đúng vậy. Nếu không sẽ thất thoát tài sản của Nhà nước, của thành phố giao.
- Tuy nhiên, có nhiều DN phản ánh, họ rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn của Quỹ?
- Nói như vậy là họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu các quy định của pháp luật về thủ tục
cho vay đối với các tổ chức tín dụng. Nhiều DN là “đối tượng đặc biệt” được thành phố lựa chọn tìm đến chúng tôi là nghĩ sẽ cầm được tiền về trong khi hồ sơ, thủ tục lại chưa đầy đủ hoặc chúng tôi chưa đủ điều kiện thẩm định. Vấn đề ở đây là phải cùng hợp tác, tháo gỡ vướng mắc một cách có thiện chí.
- Bà có thể dẫn chứng cụ thể?
- Dự án xây dựng thí điểm bãi đỗ xe dàn thép cao tầng tại phố Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan có chi phí đầu tư thiết bị nhập khẩu cao trong khi đơn giá quy định hiện nay không đủ bù đắp chi phí. Do đó chúng tôi phải báo cáo thành phố chỉ đạo các ngành chức năng cùng chủ đầu tư đánh giá lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Nếu khả thi thì chúng tôi mới có thể cho vay vốn đầu tư. Hay dự án xây dựng vùng hoa Tây Tựu, chủ đầu tư chưa chứng minh được tính thị trường, hiệu quả kinh tế của dự án, biện pháp bảo đảm tiền vay, phương án trả nợ vốn vay… Vậy làm sao chúng tôi có thể cho vay?
Mô hình hợp tác PPP sẽ sớm triển khai tại Hà Nội
- Một trong những yêu cầu đối với Quỹ là phải hợp tác, huy động vốn với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước của Quỹ. Được biết, trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của Hà Nội là rất lớn? Phần thiếu vốn sẽ lấy ở đâu?
- Dự kiến là hơn 524 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên nguồn vốn ngân sách của trung ương và thành phố mới đáp ứng được 152.798 tỷ đồng (chiếm 29%), phần còn thiếu là 371.653 tỷ đồng. Thiếu thì phải huy động từ các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, hiện nay các hình thức đầu tư truyền thống đều có những hạn chế nhất định. Cụ thể, vốn ODA sẽ làm phát sinh nợ công;
tín dụng trong nước chỉ đóng góp được một phần; năng lực tài chính của các DN trong nước còn yếu, chủ yếu tham gia bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (đầu tư - chuyển giao), trong khi các hình thức này bộc lộ những hạn chế do thiếu tính minh bạch.
- Vậy sẽ áp dụng theo hình thức nào?
- Mô hình hợp tác công - tư (gọi tắt là PPP – Public Private Partner) là mô hình hợp tác mà Nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các công trình, dịch vụ công cộng. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, đồng thời phát huy ưu thế về vốn, trình độ quản lý và công nghệ của các đối tác, đặc biệt là những đối tác nước ngoài.
- Trên thế giới, mô hình PPP được áp dụng tại Pháp từ thế kỷ XVIII, tại Anh là thế kỷ XIX. Còn tại các nước đang phát triển là vào những năm 1990. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn chưa áp dụng phổ biến mô hình này?
- Chúng tôi đã lập đề án, đề xuất và tham mưu cho thành phố triển khai mô hình hợp tác PPP để phát triển xây dựng hạ tầng đô thị trên địa bàn Thủ đô. PPP sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân vì tận dụng đuợc nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn bảo đảm lợi ích cộng đồng.
- Sắp tới sẽ có những dự án nào tại Hà Nội được đầu tư theo mô hình PPP, thưa bà?
- Hiện chúng tôi được thành phố giao làm việc với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) để thống nhất đầu tư thông qua mô hình PPP. Trước mắt danh mục dự án đầu tư được đề xuất là Đường vành đai 4 (đoạn còn lại trên địa bàn Hà Nội); Tuyến đường sắt đô thị đoạn nam Thăng Long - Sân bay Nội Bài (thuộc tuyến số 6); Nhà máy nước mặt sông Hồng và mạng lưới đường ống.
- Cảm ơn bà về những nội dung trao đổi.