Kịch bản “Chủ tịch tỉnh” phần hai: Sẽ còn nhiều yếu tố bất ngờ

Văn hóa - Ngày đăng : 07:21, 23/02/2013

(HNM) - Nhà văn Đình Kính, tác giả kịch bản phim truyền hình dài tập

Cảnh trong phim “Chủ tịch tỉnh”.



- Thưa nhà văn Đình Kính, vì sao ông bắt tay viết tiếp kịch bản phim truyền hình dài tập "Chủ tịch tỉnh" phần hai?


- Sau khi phim "Chủ tịch tỉnh" được công chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều người cho rằng phim đã đặt trúng vấn đề mà xã hội quan tâm, lại khá hấp dẫn, bởi vậy, đây là bộ phim truyện truyền hình thể loại chính luận thành công. Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) có gợi ý với tôi rằng nên viết tiếp phần hai. Bản thân tôi thấy phim "Chủ tịch tỉnh" mặc dù đã đề cập đến nhiều vấn đề nhưng vẫn còn những câu chuyện khác rất thời sự cần phản ánh, cần đào sâu hơn. Do đó, tôi nhận lời và bắt tay vào viết.

- Dự kiến phần hai sẽ có bao nhiêu tập và hiện ông đã hoàn thành đến đâu?

- Kịch bản phim "Chủ tịch tỉnh" phần hai dự kiến viết thành 40 tập. Hiện nay, tôi đã viết xong 38 tập, trong tháng 2-2013 sẽ hoàn thành hai tập còn lại. Theo kế hoạch của VFC thì cuối tháng 3-2013, phần hai sẽ được bấm máy.

- Phần một "Chủ tịch tỉnh" đã ít nhiều thành công trong việc khai thác chiều sâu uẩn khúc trong số phận các nhân vật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phần khắc họa bản lĩnh trong công việc của chủ tịch tỉnh còn chưa rõ nét. Ông có đầu tư làm nổi bật cá tính công việc của nhân vật chính trong phần hai hay không?

- Vâng. Tất nhiên rồi! Tính cách và cá tính của nhân vật là điều quan tâm hàng đầu của bất kỳ nhà biên kịch nào. Tuy nhiên, khắc họa tính cách nhân vật, nhằm làm nổi bật công việc của họ, nhất là những nhân vật đứng đầu một tỉnh không dễ chút nào. Phần hai đã cố gắng để khắc họa chân dung nhân vật ở góc độ này.

- Vậy, những mảng vấn đề nào của hiện thực xã hội thời gian qua đã và sẽ được ông quan tâm khai thác trong kịch bản này?

- Thông qua tính cách, số phận các nhân vật, tôi đề cập đến nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội hiện nay, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề lợi ích nhóm. Theo tôi, đó là một trong những vấn đề nhức nhối, biểu hiện dưới nhiều dạng thức hết sức tinh vi, mà không hẳn ai cũng dễ dàng nhận ra… Vấn đề nữa tôi muốn đề cập là sự tha hóa nhân cách ở một số cán bộ có chức có quyền. Mọi hậu họa và sai lầm đều bắt đầu từ sự tha hóa đó. Tôi cũng cố gắng phản ánh một số câu chuyện, vụ việc mang tính "thời sự" khác đang diễn ra nhằm tạo nên sự hấp dẫn cho phim…

- Ngoài nhân vật chính, có nhân vật phụ nào tiếp tục được ông khắc họa sâu hơn trong phần hai không?

- Trong phần một, cô Lý, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, vợ ông Phó Chủ tịch tỉnh, là nhân vật có tính cách. Ở phần hai, tôi khai thác nhân vật này khá kỹ… Bởi sống ranh mãnh, vụ lợi, lại buông thả nên cuối cùng Lý đã phải trả một cái giá rất đắt. Ngoài Lý, các nhân vật khác cũng đều được khai thác triệt để với tính cách và thân phận riêng, bằng sự tiếp nối và phát triển từ phần một.

- Ông từng nói ngay khi viết kịch bản phần một rằng càng về kết sẽ càng có nhiều bất ngờ. Liệu kết phần hai có còn những bất ngờ nữa không, thưa ông?

- Một trong những thủ pháp để phim hấp dẫn, thu hút được người xem đó là yếu tố bất ngờ. Kịch bản "Chủ tịch tỉnh" phần hai cũng cố gắng tạo ra nhiều yếu tố bất ngờ như vậy. Tất nhiên, thành công đến đâu, tạo được sự chú ý và hấp dẫn đến đâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Hà Dương