Chất thải hữu cơ: Nguy hại tiềm ẩn
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:54, 23/02/2013
Hà Nội rộng, đông là thế, nhưng hiện chỉ có một trạm xử lý phân bùn, bể phốt hoạt động có phép (công suất 180 nhà vệ sinh/ngày). Như vậy có nghĩa là hàng trăm tấn chất thải hữu cơ của hàng triệu nhà vệ sinh của tư nhân, cơ quan… thải ra hằng ngày vẫn được thu gom trái phép và xả thẳng xuống ao hồ, cống rãnh mà không qua xử lý.
Một chiếc xe thông hút bể phốt “giả” đang hoạt động. |
Những con số báo động
Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, riêng tại các quận nội thành, lượng chất thải hầm cầu cần xử lý lên tới 500 tấn/ngày. Tuy nhiên, vì thiếu nhà máy xử lý chất thải phân bùn nên khoảng 300 tấn chất thải này đã bị xả thẳng ra môi trường. Do đa số bể phốt, hầm cầu trên địa bàn Hà Nội, thay vì được thiết kế đúng chuẩn 3 ngăn để sau 20 năm mới phải dùng tới xe bồn để hút, lại chỉ có hai ngăn. Toàn bộ lượng chất thải khi được hút đi vẫn còn "tươi". Chính vì vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường, gây mầm bệnh từ xả thẳng chất thải hữu cơ ra môi trường là rất cao.
Trung tá Trần Quốc Dũng - Đội trưởng đội Môi trường đô thị và xây dựng cơ bản, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - CATP cho biết thêm, hiện trên địa bàn thành phố có trên 100 công ty, cơ sở lớn nhỏ với hàng trăm xe bồn chuyên làm dịch vụ hút, thông tắc bể phốt. Tất cả xe bồn chuyên dụng được đăng ký, lưu hành mà cơ quan chức năng nắm được đều có giấy phép hoạt động. Điều đánh nói là toàn bộ các công ty, cơ sở tư nhân kinh doanh dịch vụ hút bể phốt, cùng các bệnh viện, phòng khám tư trên địa bàn thành phố đều không ký hợp đồng với đơn vị chuyên về lĩnh vực xử lý phế thải bể phốt duy nhất hiện nay là Chi nhánh Cầu Diễn thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội. Như vậy, toàn bộ chất thải bể phốt đang được thu gom trong thành phố hằng ngày chẳng có "đầu ra" nào khác là… môi trường. Việc tồn tại hàng trăm xe chuyên dụng sơn vàng gắn mác "môi trường đô thị" là nhằm đánh lạc hướng, tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Trong năm 2012, Phòng CSMT phát hiện, xử lý 30 trường hợp xả chất thải bể phốt ra môi trường.
Ông Đoàn Hồng Quang, Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, khẳng định, hiện trên toàn địa bàn thành phố chỉ có duy nhất trạm của ông có khả năng xử lý phân bùn, bể phốt theo đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với công suất 50 tấn/ngày, trạm chỉ phục vụ cho 180 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố. Thông qua cơ quan báo chí, ông Quang cũng thông báo hiện trạm có 3 xe phục vụ việc thông hút bể phốt mang BKS 29V-9016, 30F-5120 và 29T-6312. Trên cửa của mỗi xe đều được ghi dòng chữ URENCO 7.
Quy trình một chiếc xe giả đổ thẳng chất thải xuống hồ Yên Sở. |
Giàu lên nhờ đội lốt
Có cung ắt có cầu, chất thải hữu cơ mỗi ngày nhiều như vậy nên dịch vụ thông tắc bể phốt cũng "nở rộ". Nếu như “khoan cắt bê tông” thường in trộm lên tường, thì “dịch vụ thu gom chất thải hữu cơ” lập các trang web như thongcong24h.vn, hutbephot.asia, hutbephothanoi.net… Qua điều tra, tất cả cơ sở, công ty hút bể phốt này đều không có trụ sở văn phòng làm việc cụ thể, nhưng hễ gọi đến là có người tự xưng "giám đốc" tiếp thị dịch vụ của mình. Để đánh lừa khách hàng, tất cả xe chuyên làm dịch vụ hút bể phốt không thuộc diện URENCO 7 đều bắt chước khá giống với thùng xe đều được sơn bằng màu vàng hoặc xanh đậm và có in dòng chữ: "Xe phục vụ vệ sinh môi trường thành phố", "Công ty vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội", "Xe vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội"… Cán bộ của URENCO 7 đã rất bức xúc, ghi cả BKS của những chiếc xe giả để cơ quan chức năng giải quyết. Theo thông tin được cung cấp, không khó để nắm bắt quy luật hoạt động bất kể ngày đêm của những chiếc xe giả nhãn "thông hút" mang BKS 29C-165.98, 30K-6640, 31F-0726, 29C-037.55, 29X-3707… Quy luật hoạt động của những kẻ giả danh này là: đầy bình chứa chừng 4-5m3, lái xe ung dung về nơi tập kết, thường là một bãi gửi xe ở ven đô - Đợi đến khi gom chất thải bể phốt đầy, tài xế đánh xe đi đổ trộm và thường chọn cống "hàm ếch" ven đường, các ao hồ ở ngoại thành Hà Nội… hoặc những nơi bờ sông Hồng, Nhuệ, Tô Lịch, Lừ, Sét…
Theo một chủ cơ sở chuyên thông tắc bể phốt ở xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, toàn xã có hơn 50 hộ mở công ty làm dịch vụ này. Gia đình nào có nhiều tiền thì sắm tới 4-5 xe, với giá khoảng 600 triệu đồng, rồi thuê nhân công làm cho mình. Hộ nào ít vốn thì cố mua lại 1-2 "con" xe téc cũ, rồi về chế lại. Để tránh bị phát hiện, xử phạt, các hộ cho xe của mình đội lốt xe của "Công ty Môi trường đô thị Hà Nội" bằng cách cho sơn thêm dòng chữ "Công ty Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội" lên cánh cửa xe. Hoạt động có hiệu quả nên sau ít năm, nhiều gia đình như ông Hưng, ông Long, ông Hà... ở Liên Hồng đã được tiếng là "đại gia", mua được đất, xây nhà cao ngất ngưởng.
Hiện nay ở xã Cổ Nhuế, Từ Liêm và xã Liên Hồng, Đan Phượng... nhiều hộ làm dịch vụ này. Ở Liên Hồng có trên 200 xe bồn hoạt động ngày đêm chuyên đi hút chất thải từ bể phốt trên nhiều tuyến phố. Chỉ khác với những làng nghề như ở Triều Khúc bị tiếng là mang rác về làng thì thanh niên ở đây "lỏi" hơn khi xả thẳng những thứ uế tạp ra môi trường, ở bất kỳ đâu mà họ cho là tiện nhất. Và tất nhiên việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân là hệ quả tất yếu.
Loại chất thải tế nhị bài viết đề cập chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh đáng lo ngại. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, hiện tổng lượng chất thải rắn trên địa bàn vào khoảng 5.400 tấn/ngày; trong đó, rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị khoảng 3.200 tấn. Không chỉ có những nguy hại tiềm ẩn từ việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trái phép với cách làm thủ công, không theo một quy chuẩn an toàn vệ sinh nào, người dân Thủ đô hằng ngày còn phải hứng chịu mầm bệnh tật từ nhiều nguồn ô nhiễm khác như tiếng ồn, khói bụi… Đây là những vấn đề cấp bách đặt ra trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân Thủ đô.