Giải pháp để trụ vững trước thách thức
Kinh tế - Ngày đăng : 05:42, 23/02/2013
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện vượt mức cam kết về tiết giảm chi phí. Ảnh: Thanh Hải |
"Đại gia" cũng "thắt lưng, buộc bụng"
Là chủ trương lớn được Chính phủ triển khai trong năm 2012, việc tiết giảm chi phí, nhất là các chi phí hội họp, khánh tiết, đã giúp nhiều TĐ, TCT nhà nước giảm được một khoản tiền lớn dành cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh và hạ giá thành sản phẩm. Báo cáo cho thấy, qua một năm triển khai, nhiều TĐ, TCT đã nghiêm túc thực hiện chủ trương tiết giảm chi phí và đạt được kết quả khả quan.
TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN), bên cạnh việc đóng góp lớn vào số thu ngân sách nhà nước, năm 2012 đã giảm được 5.104 tỷ đồng, vượt xa mức cam kết ban đầu 1.389 tỷ đồng. Đại diện PVN cho biết, đầu năm 2012, PVN đăng ký với Chính phủ tiết giảm 3.715 tỷ đồng. Nhiều lãnh đạo bộ, ngành đã tỏ ra hoài nghi về khả năng thực hiện số cam kết của PVN. Song PVN đã thực hiện vượt cam kết ban đầu nhờ tiết giảm chi tiêu hành chính đơn thuần; tập trung phát huy sáng kiến, sáng chế và các giải pháp để hợp lý hóa sản xuất, tiết kiệm vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào; đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án vào hoạt động sớm hơn kế hoạch. Đây mới là phần tiết kiệm lớn nhất của PVN.
Cam kết tiết giảm 145 tỷ đồng trong năm 2012, TĐ Bảo Việt là đơn vị "mở màn" việc thực hiện chủ trương tiết giảm chi phí của Chính phủ. Theo Bảo Việt, để thực hiện được mục tiêu đề ra, TĐ và các đơn vị trong toàn hệ thống đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh triển khai xây dựng "Một Bảo Việt - Một nền tảng mới", đổi mới quản trị, ứng dụng triển khai nhanh các dự án công nghệ thông tin. TĐ cũng tăng cường đánh giá, quản lý rủi ro nhằm giảm chi phí bồi thường. Trong hoạt động rà soát, Bảo Việt đã cắt giảm hoặc giãn tiến độ dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết, ưu tiên các dự án đầu tư đang dang dở; qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư, sắp xếp, phân công lao động phù hợp nhằm nâng cao năng suất lao động. TĐ cũng tiết giảm hợp lý chi phí điện, nước, công tác phí, hội nghị, hội thảo… Hiện tại, Bảo Việt khuyến khích cán bộ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí.
Tại TCT Thương mại Hà Nội (Hapro), năm 2012, việc thực hiện tiết giảm chi phí đã vượt 200% kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Số tiền tiết giảm Hapro đăng ký là 45 tỷ đồng, song đã thực hiện được 90 tỷ đồng. Được biết, đặc thù của ngành thương mại là giá mua hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá vốn nên Hapro đã đàm phán, phân tích, thương thảo với đối tác nhằm cắt giảm chi phí mua vào. Ngoài ra, chi phí trong các hoạt động giao dịch, lễ tân, xăng xe, điện thoại của TCT cũng được tiết giảm bằng những quy định cụ thể. Việc tiết giảm chi phí tiếp tục được Hapro thực hiện trong năm 2013.
Tiết giảm để nâng cao sức cạnh tranh
Trước dự báo năm nay nền kinh tế tiếp tục phải đối phó với nhiều thách thức, giải pháp cắt giảm chi phí hoạt động một cách hiệu quả, hợp lý vẫn được nhiều TĐ, TCT lựa chọn nhằm trụ vững qua giai đoạn khó khăn. Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề cốt lõi để tăng cường hiệu quả DN nhà nước là tái cấu trúc và nâng cao quản trị về chi phí giá thành để nâng cao sức cạnh tranh. Với những DN kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm và thuộc diện Nhà nước đang quản lý như điện, than, xăng dầu, việc tiết kiệm chi phí này cũng giảm áp lực cho Nhà nước trong thực hiện chính sách giá thị trường.
Mặc dù Chính phủ chỉ đề cập đến việc tiết giảm chi phí quản lý trong các TĐ, TCT nhà nước song ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tiết giảm chi phí, tập trung hạ giá thành sản phẩm là biện pháp hữu hiệu giúp cộng đồng DN trụ vững trong thời kỳ khó khăn. Việc làm này sẽ giúp các DN sẽ đạt được hai mục đích: Giảm chi phí và kiện toàn công tác quản trị, từ đó, mỗi DN sẽ có mô hình quản lý hiệu quả hơn, sản phẩm sẽ có giá cả hợp lý hơn và nâng cao được sức cạnh tranh của DN cũng như sản phẩm, dịch vụ.