Bulgaria: Đứng trước khủng hoảng kép

Thế giới - Ngày đăng : 07:36, 22/02/2013

(HNM) - Danh sách các chính phủ ở Châu Âu bị chính sách


Được xem là nước nghèo nhất trong Liên minh Châu Âu (EU) với tỷ lệ người nghèo chiếm tới 49% dân số, tăng giá điện lên gấp đôi là một trong những biện pháp khắc khổ mà Chính phủ cánh hữu bất đắc dĩ phải thực thi nhằm cải thiện cán cân thu - chi ngân sách. Nhưng, tiền điện lại ngốn một phần không nhỏ thu nhập của đa số người dân tại quốc gia Đông - Nam Âu này; vì vậy, tiền điện tăng đã gây tác động rộng lớn tới đời sống của hầu hết các hộ gia đình ở Bulgaria. Trong suốt 10 ngày qua, các cuộc biểu tình đã bùng lên tại thủ đô Sofia và nhiều khu vực trên khắp đất nước khiến 1 người chết, 28 người bị thương, trong đó có 5 cảnh sát mà nguyên nhân chủ yếu là do điện tăng giá.

Chính phủ Bulgaria buộc phải từ chức trước làn sóng biểu tình ngày càng dâng cao.


Để xoa dịu dân chúng, Chính phủ Bulgari đã cam kết sẽ giảm 8% giá điện trong tháng 3, cho dù như vậy vẫn có thể khiến nhà máy điện hạt nhân duy nhất của nước này - Kozlodoui - bị phá sản. Thủ tướng B.Borisov cũng đã buộc phải rút giấy phép hoạt động của một trong những công ty phân phối điện nước ngoài. Nhưng, những biện pháp "tình thế" như vậy được đưa ra quá trễ để có thể làm dịu cơn giận dữ đường phố đang bùng nổ.

Trên nguyên tắc, bầu cử Quốc hội chỉ diễn ra vào tháng 7 năm nay, nhưng với sự kiện Thủ tướng B.Borisov đột ngột từ chức, bầu cử sẽ buộc phải diễn ra sớm hơn, có thể là vào tháng 4. Dư luận từ Sofia cho rằng, bầu cử trước thời hạn sẽ có lợi cho đảng cầm quyền Công dân vì sự phát triển Châu Âu của Bulgaria (GERB). Bởi nếu để đến tháng 7, uy tín của đảng này được dự báo sẽ sụt giảm nghiêm trọng hơn. Hiện giờ, tỷ lệ ủng hộ đảng cầm quyền chỉ còn ngang bằng với đảng Xã hội đối lập (22%). Tuy nhiên, chính phủ mới sẽ khó mà trụ lại hơn 2 năm, vì cũng sẽ buộc phải thực thi những giải pháp cần thiết - mà đảng cầm quyền hiện nay mới chỉ dám thực hiện từng bước - để thoát khỏi vực thẳm thâm thủng ngân sách. Nhưng điều này chắc chắn sẽ làm dân chúng thêm bất bình vì nền kinh tế đang lâm vào khó khăn.

Từ sau cuộc khủng hoảng 1997, Bulgaria đã thi hành chính sách khắc khổ rất nghiêm ngặt. Nhờ vậy, nợ công quốc gia của Bulgaria đã giảm xuống ở mức 17% và thâm thủng ngân sách chỉ còn 1,4% trong năm 2012. Thế nhưng, nợ của các doanh nghiệp mang bóng dáng "tập thể" lại tăng cao, chiếm đến 22% GDP năm 2011. Đây chính là "lực lượng" đã phong tỏa tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 11,9% trong tháng 1-2013.

Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) tiếp tục tác động mạnh đến nền kinh tế Bulgaria. Mặc dù thời gian qua, nước này đã tiến hành cải cách kinh tế và luật pháp nhưng phe đối lập vẫn chỉ trích chi tiêu không hợp lý của Chính phủ trong các dự án xây dựng. Để giảm tình trạng thâm hụt ngân sách như hiện nay, xứ Hoa hồng đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Và, sự chỉ trích đã không ngớt dấy lên từ EU trước những cải cách không đủ mạnh trong hệ thống luật pháp cũng như thất bại trong chống tham nhũng và đặc biệt trong việc chống các băng tội phạm có tổ chức của Sofia. Đây chính là một trong những yếu tố khiến các định chế tài chính quốc tế, trong đó có IMF chưa thật sự trợ giúp Sofia trong quá trình cải cách để phát triển.

Từ bất ổn kinh tế dẫn tới bất ổn xã hội khiến đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị với sự kiện Chính phủ của Thủ tướng B.Borisov buộc phải ra đi, Bulgaria đang đứng trước nguy cơ bất ổn. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lộ trình cải cách và đẩy xứ Hoa hồng tới bờ vực cuộc khủng hoảng kép - cả về kinh tế lẫn chính trị - nhấn Sofia chìm sâu vào những khó khăn còn tồn đọng chưa tìm được lối thoát.

Lâm Phương