Nhà văn hóa cho công nhân tại Hà Nội: Vừa thiếu, vừa kém hấp dẫn
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 21/02/2013
Thiếu các điểm sinh hoạt văn hóa, công nhân chỉ biết ngồi “tán chuyện” sau giờ làm việc. Ảnh: Thái Hiền |
"Đói" văn hóa!
Số điểm sinh hoạt văn hóa được biết đến nhiều là ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh), xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) hay Quang Tiến (Sóc Sơn)… Tuy nhiên, trang thiết bị, sách báo tại các điểm sinh hoạt còn ít. Chẳng hạn, cả tuần chỉ có 1-2 đầu báo, sách chủ yếu về luật trong khi các tạp chí, sách tâm lý, tài liệu giáo dục sức khỏe sinh sản… gần như không có. Hàng nghìn công nhân cùng tham gia sinh hoạt thể thao nhưng ở điểm lớn mới có 1-2 bàn bóng bàn, sân bóng chuyền… Vì vậy, công nhân có háo hức tham gia đến mấy thì cũng khó có thể phát động thành phong trào rèn luyện sức khỏe sâu rộng. Điểm văn hóa có sân chơi rộng để công nhân rèn luyện thể thao như đá bóng, đánh cầu… ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Tiến do không đủ khả năng mua sách báo nên chỉ trông chờ vào việc kêu gọi cá nhân đóng góp... Hầu hết công nhân làm việc trong các KCN-CX đều xuất thân từ quê nghèo, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, công nhân nữ luôn cần những thông tin liên quan đến sức khỏe, sinh sản, hoặc thông tin về xã hội, văn hóa, thời trang, thế giới… nhưng mọi thứ đều chỉ thông qua vài trang báo hiếm hoi nơi đây. Chị Nguyễn Thu Hằng (Công ty Denso, KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh) luôn trân trọng, giữ gìn mấy cuốn tạp chí xuất bản năm 2008, 2009. Với họ, bỏ ra 1.000 đồng hoặc 2.000 đồng để mua sách, báo cũ là phải đắn đo. Vì vậy, khi mua được họ giữ gìn cẩn thận, khi đổi báo cho phòng bên thì dặn dò tránh làm nhàu, rách. Tại điểm sinh hoạt văn hóa thôn Xuân Bách (Sóc Sơn), nhiều lao động than phiền, diện tích chật hẹp, nóng bức, do vậy, vào mùa hè chỉ có khoảng 20 công nhân đến sinh hoạt. Chỉ những tối có giao lưu văn nghệ, tư vấn pháp luật, phiên chợ lưu động thì mới đông.
Doanh nghiệp chưa quan tâm
Nắm bắt được tâm lý của người lao động, BQL KCN-CX cũng như UBND các xã đã nỗ lực vận động và đề xuất để xây dựng các điểm văn hóa nhằm tạo không gian giao lưu, thư giãn cho công nhân sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức nhưng số điểm văn hóa quá ít, mới thành lập và hoạt động trầm lắng. Tìm hiểu thực tế cho thấy, nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp. Ông Bùi Minh Tuân - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội - cho biết, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân của nhà ở công nhân tại Kim Chung (Đông Anh) ơ tầng một nên thuận tiện cho công nhân. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí đầu tư nên cơ sở vật chất chưa phong phú, không thu hút được công nhân tham gia. Về phía các doanh nghiệp, chỉ tập trung lo sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm đầu tư và tổ chức nên các hoạt động văn hóa thể thao dành cho công nhân hầu như không có. Vì vậy, để đạt được mục tiêu chuẩn hóa nhà văn hóa nhằm hỗ trợ đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, ngoài ngân sách nhà nước, rất cần nguồn lực xã hội hóa.
Trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút và giữ chân người lao động có tay nghề làm việc lâu dài trong doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, doanh nghiệp không thể thờ ơ với những "món ăn" tinh thần của công nhân. Sự đầu tư đúng chỗ, đúng lúc là rất cần thiết. Về phía các cơ quan chức năng mà cụ thể là chính quyền địa phương nơi có KCN - CX đóng trên địa bàn, cần tăng cường hỗ trợ kinh phí đầu tư; đề xuất cấp trên có hướng quan tâm, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các điểm sinh hoạt văn hóa.