Quảng trường Hồ Chí Minh điểm đến của thành Vinh
Văn hóa - Ngày đăng : 09:04, 18/05/2004
Quảng trường Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh (Nghệ An)
Chúng tôi trở lại Quảng trường Hồ Chí Minh vào những ngày đầu hạ 2004. Mới đầu giờ chiều, khoảng không gian 11 hécta nằm giữa trung tâm thành phố thật yên vắng. Một vài người vội vã băng qua sân quảng trường đầy nắng để tới khu vườn rợp bóng cây trên ngọn núi Chung mô phỏng. ở đó có đủ thứ cây quý mà nhân dân cả nước, các bộ, ngành mang về dâng tặng Bác.
Khu nhà của Ban quản lý quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh (BQL) nép mình dưới chân tượng đài, giữa một vườn ươm tốt tươi hoa lá. Anh Thái Huy Phú, trưởng phòng Nghiệp vụ và là một trong số 27 cán bộ BQL, đang “cộng sổ” - không phải là những con số thu - chi mà là số lượng người đã tới thăm quảng trường kể từ ngày khánh thành. Chuyển cho khách bản báo cáo kết quả hoạt động của BQL trong năm 2003 và 4 tháng đầu năm 2004, anh nói: “Ngay cả chúng tôi cũng không ngờ được số lượng người đến dâng hoa, thăm tượng đài nhiều đến vậy. Anh tưởng tượng xem, không tính số khách lẻ thì 7 tháng cuối năm 2003 đã có khoảng 3.500 đoàn tới đây, trong đó có 11 đoàn nguyên thủ quốc gia và hàng chục đoàn của lãnh đạo các bộ, ngành. Chúng tôi cũng đã được đón nhiều đoàn khách quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài”. Nếu tính chi li, kể từ ngày Quảng trường Hồ Chí Minh khánh thành tới hết năm 2003, BQL đã phục vụ gần nửa triệu khách từ xa tới, chưa kể 2,5 triệu lượt người Vinh tối tối tới quảng trường vui chơi thư giãn. Còn trong 4 tháng đầu năm 2004, người ta tính được đã có 1.500 đoàn khách (200.000 lượt người) và hơn 1 triệu lượt khách lẻ đã tới thăm tượng đài Bác - một con số ấn tượng bởi đó là khoảng thời gian mà mùa du lịch ở Nghệ An chưa bắt đầu.
Đối với nhân dân thành phố Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa - kiến trúc đáng tự hào. ý tưởng xây dựng quảng trường hình thành cách nay 7 năm. Công trình được khởi công từ năm 2000 và hoàn thành sau 3 năm thi công - khoảng thời gian không dài lắm so với tầm cỡ một công trình văn hóa cấp quốc giacó vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng và tính sơ sơ có tới 30 hạng mục lớn nhỏ. Những người theo sát quá trình thi công Quảng trường giờ vẫn còn nhớ cảnh tượng hàng đoàn xe tải nặng vận chuyển 180.000 khối đất từ ngọn núi Dơi ở Nam Đàn (gần khu mộ bà Hoàng Thị Loan) về Vinh để tạo ra ngọn núi Chung mô phỏng. Người Vinh nhận xét rằng ngọn núi ấy không chỉ là điểm tựa cho dáng đứng tượng đài Hồ Chí Minh thêm vững chãi, mà còn thể hiện vòng tay yêu thương ôm ấp cả dân tộc của Người. ở Quảng trường Hồ Chí Minh, ngoài núi Chung thì sân hành lễ rộng mênh mông với 99 ô cỏ và đài phun nước nhạc màu là những hạng mục gây ấn tượng đặc biệt.
Sau lễ khánh thành quảng trường tổ chức vào ngày 19-5-2003, có khoảng 5 vạn người tới dự, một năm nay, người dân địa phương thực sự coi Quảng trường Hồ Chí Minh là “điểm đến” của mình. Họ đến đây dâng hoa trước tượng đài Bác, thả bộ thư giãn giữa 79 ngọn đèn nến thắp sáng hằng đêm trên ngọn núi Chung mô phỏng. Vào những ngày lễ tết, quảng trường là cả một biển người. Các cán bộ BQL đến giờ vẫn chưa quên ấn tượng về cái tết đầu tiên thành phố này có quảng trường. 20h tối 30 Tết Giáp Thân, ước tính có khoảng 2,5 vạn người, chủ yếu là thanh niên, cùng lúc kéo về quảng trường xem văn nghệ và chương trình phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Bác Hồ. Từng ấy người đã có mặt trên quảng trường suốt gần 5 giờ đồng hồ, cùng hướng về phía khách sạn Phương Đông chờ ngóng một trong những màn pháo hoa rực rỡ nhất từ trước tới nay.
Đối với BQL, bảo vệ và bảo quản quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh là nhiệm vụ số một. Nhưng đội ngũ cán bộ ở đây còn gánh vác phần việc quan trọng không kém: sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật để phục vụ khách tham quan và các hoạt động kỷ niệm. Vào ngày 26-3 vừa qua, BQL đã đón tiếp 35.000 thanh niên Nghệ An về quảng trường; ngày 29-4 tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật “Âm vang Điện Biên”; ngày 1-5 tổ chức giao lưu giữa các doanh nghiệp tiêu biểu trong và ngoài tỉnh... Nhận xét về vị trí của Quảng trường Hồ Chí Minh đối với đời sống thành Vinh, ông Phan Văn Ngũ, Phó ban BQL nói chân thành: “Quảng trường rộng, có những điều không thuận, như tổ chức hệ thống âm thanh, nhưng tổ chức các hoạt động văn hóa ở đây là hợp lý vì được nhân dân ủng hộ. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ nhưng cũng là thể hiện tình cảm đối với Bác, bởi vậy tất cả đều cố gắng”.
Mùa hè năm nay, một số cán bộ BQL sẽ ra Hà Nội học hỏi kinh nghiệm từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch. Anh Thái Huy Phú khiêm tốn nói: “Chúng tôi cần phải học hỏi rất nhiều ở các đồng nghiệp trung ương để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quảng trường Hồ Chí Minh không chỉ là một trong những biểu tượng văn hóa của nhân dân Nghệ An, mà còn là địa chỉ quan trọng của du khách trong và ngoài nước trên Con đường di sản miền Trung. Chúng tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều để gìn giữ khối tài sản quý báu này”.
HNM