Khắc phục tình trạng chồng chéo
Chính trị - Ngày đăng : 05:54, 21/02/2013
Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Ảnh: Đức Nghiêm |
Theo thống kê của Ban Tổ chức Thành ủy, 401 đảng bộ xã hiện có 2.929/4.732 chi bộ dân cư. Đã có 8 huyện kiện toàn xong, một số huyện khác đang kiện toàn mô hình chi bộ và hệ thống chính trị (HTCT) đồng bộ theo khu dân cư (KDC), thôn, xóm, với tổng số 2.724 chi bộ (chiếm 88,7%). Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, khắc phục chồng chéo, phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo trực tiếp ở thôn, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của TCĐ đối với HTCT. Các chi bộ triển khai nhiệm vụ chính trị hiệu quả ở địa bàn dân cư, thực sự là cầu nối giữa Đảng và các tầng lớp nhân dân. Sự đồng bộ còn giúp các chi bộ kiểm tra, lãnh đạo thường xuyên đối với ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể trong thôn, xóm, cụm dân cư; đẩy mạnh các phong trào thi đua; tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 813 chi bộ (chiếm hơn 11%) ở trong tình trạng hai, thậm chí là ba chi bộ cùng lãnh đạo một thôn, xóm, cụm dân cư. Cá biệt thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu và thôn Vật Lại, xã Vật Lại đều thuộc huyện Ba Vì có tới 13 chi bộ. Thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) có gần 9.300 khẩu, 255 đảng viên, có một trưởng thôn, nhưng lại có tới 9 chi bộ ở 9 xóm. Dân số quá lớn, một trưởng và ba phó thôn không thể gánh vác hết công việc và cũng không sâu sát tới từng hộ dân. Do vậy, Đảng ủy xã đã tổ chức mô hình HTCT theo xóm. Mọi nhiệm vụ chính trị sau khi các chi bộ tiếp thu nghị quyết của đảng ủy đều tổ chức quán triệt và xây dựng nghị quyết để lãnh đạo tại xóm. Dù nghị quyết của các chi bộ đều được triển khai kịp thời, nhưng do không trực tiếp lãnh đạo trưởng thôn và ban công tác mặt trận, các đoàn thể trong HTCT nên hiệu quả chưa cao (thậm chí có tình trạng trưởng thôn "chỉ đạo ngược" các bí thư chi bộ). Bản thân trưởng thôn cũng gặp khó khăn mỗi khi phải xin ý kiến của nhiều bí thư chi bộ… Thực tế trên cho thấy mô hình một thôn có nhiều chi bộ sẽ hạn chế vai trò của tổ chức Đảng đối với HTCT trên địa bàn.
Ngoài bất cập trên, còn có 914 chi bộ từ 50 đảng viên trở lên; 74 chi bộ trên 100 đảng viên, đang rất khó khăn trong tổ chức sinh hoạt đảng mà phổ biến là sinh hoạt không đầy đủ, chất lượng sinh hoạt yếu, đấu tranh phê và tự phê bình kém, việc quản lý, giao nhiệm vụ cho đảng viên chưa tốt...
Từ thực trạng này, Ban Tổ chức Thành ủy đã xây dựng đề án sắp xếp hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của chi bộ ở nông thôn. Hầu hết các huyện đều thống nhất với đề xuất của đề án, đối với những nơi một thôn có nhiều chi bộ lãnh đạo: nếu có từ 100 đảng viên và 1.000 hộ dân, đề nghị cấp trên cho chia thôn, trên cơ sở đó thành lập các chi bộ thôn đồng bộ HTCT, phù hợp với địa giới hành chính các thôn mới… Chẳng hạn, đối với thôn Hạ Lôi, Bí thư Đảng ủy xã Mê Linh (huyện Mê Linh) Tạ Quang Hưng kiến nghị Thành ủy, HĐND, UBND TP cho tách thành 9 thôn mới (mỗi xóm là một thôn) hoặc thành 9 cụm dân cư, trên cơ sở đó, thành lập các chi bộ cụm dân cư.
Đối với xã có tốc độ đô thị hóa nhanh có nhiều tuyến phố mới, khu đô thị mới như các xã: Đông Ngạc, Mỹ Đình, Mễ Trì, Cổ Nhuế (Từ Liêm), Triều Khúc (Thanh Trì) có thể tổ chức chi bộ theo mô hình cụm dân cư thuộc xã và thành lập các tổ chức đoàn thể phù hợp với mô hình của chi bộ… Ngoài ra, các địa phương kiến nghị giải pháp khắc phục bất cập đối với những chi bộ nhiều đảng viên. Đi đôi với việc kiện toàn, củng cố mô hình địa bàn dân cư thôn, cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, ban công tác mặt trận và các đoàn thể chính trị. Các địa phương cũng đề nghị thành phố hỗ trợ đầu tư kinh phí xây dựng nhà văn hóa và cơ sở vật chất làm nơi sinh hoạt, hội họp của các chi bộ, đoàn thể; sớm sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở…
Đây là những việc cần được cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ thành phố quan tâm giải quyết trong năm 2013, để TCĐ và các tổ chức trong HTCT trên địa bàn cụm dân cư, thôn, xóm, phát huy hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.