Nông nghiệp hàng hóa Hà Nội: Chưa xứng với tiềm năng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:59, 20/02/2013

(HNM) - Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, dịch bệnh, nhưng năm qua, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn được đánh giá cao, tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực.

Thu hoạch cá tại xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bảo Lâm


Mặc dù diện tích đất nông nghiệp giảm do quá trình đô thị hóa, song năm 2012, tổng sản lượng lương thực cây có hạt vẫn đạt 1,3 triệu tấn, tương đương năm 2011. Giá trị nông nghiệp tăng thêm 0,4%/năm, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt trên 8,7 nghìn tỷ đồng (giá cố định), ước đạt trên 37 nghìn tỷ đồng (giá thực tế). Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 199 triệu đồng/ha, tăng hơn 10 triệu đồng/ha so với năm 2011, cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó giá trị trồng trọt chiếm 39,88%, chăn nuôi và thủy sản 56,89%, dịch vụ 3,23%. Những kết quả đó là đáng ghi nhận, song tại buổi tổng kết ngành nông nghiệp năm 2012, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt vẫn chỉ ra những tồn tại, hạn chế.

Đó là sản xuất nông nghiệp Hà Nội còn manh mún, tùy tiện theo kiểu truyền thống, tập quán là chính; sản xuất còn bấp bênh, thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội. Số lượng mô hình và những điển hình tiên tiến, nhất là số mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả còn ít. Đó là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp Hà Nội. Điểm lại một số chương trình, đề án lớn của Hà Nội như: sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; phát triển nuôi trồng thủy sản; phát triển hoa, cây cảnh… triển khai rất chậm, gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách và phương thức thực hiện. Chương trình sản xuất rau an toàn đầu tư lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, sau hơn 3 năm mới quản lý, chỉ đạo được 3.800ha, việc tiêu thụ còn khó khăn, chậm mở rộng thị trường cung ứng. Chương trình thủy sản đã phê duyệt nhiều dự án tập trung ở huyện Ứng Hòa, Ba Vì…, nhưng vẫn bế tắc, chậm triển khai. Việc xác định và quy hoạch các vùng chuyên canh hoa ở Từ Liêm, Mê Linh còn lúng túng. Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao sau 3 năm vẫn chưa xác định được bộ giống lúa chuẩn, chưa xây dựng được thương hiệu gạo Hà Nội.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đơn vị được ngành nông nghiệp giao nhiệm vụ xây dựng 36 dạng mô hình trình diễn, trong đó thành phố đầu tư 31 dạng và trung ương hỗ trợ 5 dạng mô hình, triển khai tại 21 quận, huyện. Kết quả, những mô hình này có tạo được sự khác biệt, tiếp thu chuyển giao được kỹ thuật, công nghệ mới, song sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng còn hạn chế, nhân ra diện rộng quá chậm. Chẳng hạn, mô hình lúa gieo thẳng, sử dụng máy cấy được đánh giá là hiệu quả, tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa tập trung, nhưng rất khó mở rộng sản xuất. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Văn Chí thừa nhận, lẽ ra Hà Nội phải đi tiên phong trong việc tiếp nhận tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nhưng tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Hà Nội quá thấp, không đáp ứng mục tiêu sản xuất tập trung khi khâu làm đất mới đạt 69,2% (bình quân cả nước là 80%); khâu gieo cấy mới đạt 7,1% (bình quân cả nước đạt 25%); khâu thu hoạch đạt 7,8% (bình quân cả nước đạt 20%).

Chăm sóc hoa ở xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm). Ảnh: Khánh Nguyên


Bên cạnh đó, một số mô hình trình diễn có kết quả, nhưng ở quy mô nhỏ, tính phổ biến hẹp, việc nhân rộng còn hạn chế. Mô hình cây thanh long ruột đỏ đã trồng được 3 năm vẫn chỉ dừng ở 20ha tại huyện Ba Vì và Thạch Thất, chưa hình thành được vùng tập trung... Một số mô hình trồng bí xanh, bí đỏ ở Mỹ Đức, sản xuất nấm ăn ở Sóc Sơn, Mỹ Đức, mô hình xử lý rơm rạ gắn với trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu… áp dụng vào sản xuất còn chậm, chưa nhân rộng đại trà. Các mô hình chăn nuôi, thủy sản như chăn nuôi lợn rừng thương phẩm, thử nghiệm thức ăn sinh học để nuôi lợn an toàn thực phẩm; nuôi nhím sinh sản, nuôi kết hợp cá, lúa, nuôi cá lồng hồ chứa, nuôi gà thả vườn an toàn sinh học… mới dừng ở dạng công bố kết quả, chưa tổ chức sản xuất rộng, sức lan tỏa không lớn.

Dễ nhận thấy sự manh mún, thiếu bài bản trong chiến lược phát triển nông nghiệp Hà Nội. Đó là chưa xây dựng được những vùng nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Sức tiêu thụ nông sản của Hà Nội rất lớn, nhưng sản phẩm không kiểm soát được do mất an toàn, nguyên nhân chính là từ khâu tổ chức sản xuất, chỉ đạo và kiểm soát, kiểm dịch còn yếu. Vai trò của các HTX bị mờ nhạt, quản lý nhà nước, sự liên kết "4 nhà" lỏng lẻo do thiếu cơ chế chính sách phù hợp, dẫn đến sản xuất tự phát, tự sản tự tiêu, mất cân đối, thiếu định hướng, quy hoạch vùng, miền và bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý. Hà Nội vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, không có sản phẩm thế mạnh, sản phẩm sản xuất ra hầu như chưa được chế biến, bảo quản nên giá trị thấp, không có tính cạnh tranh. Những đặc sản của Hà Nội như cam Canh, bưởi Diễn, gà Mía, nếp cái hoa vàng Vân Hà hay những vùng hoa Từ Liêm, Mê Linh đang mất dần thương hiệu. Hiện Hà Nội chưa có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ít điển hình tiên tiến, mô hình lớn để các địa phương đến tham quan, học tập.

Để khắc phục những hạn chế trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, ngành nông nghiệp sẽ khẩn trương thực hiện quy hoạch nông nghiệp xây dựng vùng sản xuất tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Sở NN&PTNT Hà Nội đang triển khai xây dựng một số thương hiệu nông sản như: gạo Hà Nội, nhãn chín muộn, cam đường, mở rộng diện tích lúa hàng hóa đạt 35%, trồng 5.500ha rau an toàn, 2.160ha hoa, cây cảnh; trồng mới 750ha cây ăn quả…

Xuân Quang