Tây Ban Nha: Bất ổn từ cơn thịnh nộ đường phố
Thế giới - Ngày đăng : 07:40, 20/02/2013
Hàng nghìn bác sĩ, y tá tại 16 thành phố lớn ở Tây Ban Nha tham gia biểu tình vào ngày 17-2 vừa qua. |
Trong hơn một năm trở lại đây, kể từ khi Tây Ban Nha chính thức bước vào tâm bão nợ nần và phải kêu gọi cứu trợ tài chính từ bên ngoài, biểu tình đã trở thành một hiện tượng "thời thượng" ở xứ sở Bò tót. Các cuộc xuống đường ngày càng thu hút thêm nhiều thành phần lao động trong xã hội từ công nhân môi trường, giao thông, đến giáo viên, thẩm phán và cả bác sĩ… nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm ngân sách ngày một sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống lương bổng và phúc lợi xã hội ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ 4 của Châu Âu. Mới nhất là làn sóng phản đối kế hoạch tư nhân hóa hệ thống y tế công cộng do chính phủ đề xuất. Đây là một phần trong lộ trình điều chỉnh chi tiêu ngân sách của nội các Thủ tướng Mariano Rajoy để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công.
Trên thực tế, cơn thịnh nộ của giới bác sĩ, y tá Tây Ban Nha bắt đầu bùng phát từ cuối năm 2012 khi Chính phủ dự định giao 6 bệnh viện và 27 phòng khám cho tư nhân quản lý và kêu gọi bệnh nhân trả 1 euro cho mỗi đơn thuốc. Ngoài ra, chính quyền của Thủ tướng M.Rajoy cũng quyết định cắt giảm 7 tỷ euro chi tiêu hằng năm cho ngành y tế và giáo dục như một phần của kế hoạch tiết kiệm 103 tỷ euro cho ngân sách đến năm 2014. Tuy nhiên, những người biểu tình lo ngại việc cắt giảm ngân sách và tư hữu hóa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế vốn vẫn được miễn phí nhiều năm qua. Nhiều người cho rằng, việc Chính phủ bỏ ra tới 100 tỷ euro để cứu các ngân hàng trong khi lại mạnh tay cắt giảm ngân quỹ dành cho hoạt động y tế trong cả nước là không thể chấp nhận. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, sự quản lý lỏng lẻo của các ông chủ nhà băng vừa được Chính phủ "giải cứu" là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ tại Tây Ban Nha hiện nay. Vì trong thời kỳ kinh doanh bất động sản còn ở đỉnh cao, nhiều ngân hàng đã không ngần ngại cho các nhà đầu tư bất động sản vay những khoản thế chấp dài hạn, lên đến 40 năm, thậm chí 50 năm, với không ít ưu đãi. Như một phản ứng dây chuyền, thị trường bất động sản khủng hoảng đã kéo theo những hệ lụy cho cả hệ thống ngân hàng với những hợp đồng không thể tất toán.
Nghiêm trọng hơn, không nhiều người tin rằng những thay đổi lương bổng trong hệ thống y tế, giáo dục và một số ngành xã hội khác có thể cứu vãn được tình trạng hiện tại của Tây Ban Nha mà còn đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức báo động hơn. Điều này sẽ gây khó cho nền kinh tế Tây Ban Nha theo nhiều cách khác. Bởi lẽ, khi số người không có việc làm tăng cao, tiêu dùng sẽ giảm, tiết kiệm để tái đầu tư cũng giảm theo và đương nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước cũng khó có thể được cải thiện.
Nghi ngờ của người dân Tây Ban Nha với chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ không phải không có cơ sở khi trong báo cáo giám sát tài chính mới nhất vừa được công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công và điều kiện kinh tế không thuận lợi có thể khiến Tây Ban Nha không đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách đã đề ra trong năm 2013, sau khi Madrid đã thất bại trong nỗ lực kiềm chế thâm hụt ngân sách gia tăng năm 2012. Theo đó, thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha sẽ tương đương 5,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2013, cao hơn so với mục tiêu 4,5% mà Tây Ban Nha đã cam kết. Với các chính sách hiện hành, Madrid sẽ không thể đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của EU cho đến trước năm 2017. Trong khi đó, nợ công của nước này sẽ tăng lên khoảng 96,9% GDP vào cuối năm nay.
Rõ ràng, chặng đường 3 năm sắp tới trong nhiệm kỳ của Thủ tướng M.Rajoy không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh bản thân ông đang phải đối mặt với bê bối liên quan tới tham nhũng.