Bài 2: “Gốc rễ” của những làng ung thư mới

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:31, 20/02/2013

(HNM) - Ngày 25-2 tới, thông tư về quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chính thức có hiệu lực. Người sử dụng thuốc BVTV gây thiệt hại về vật chất cho người khác phải bồi thường; gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, phải xử lý theo quy định của pháp luật.


Chuyện ở làng hoa, làng rau

Để có những bông hoa đẹp, người nông dân phải áp dụng rất nhiều biện pháp kỹ thuật và phần lớn đều phụ thuộc các loại thuốc kích thích, thuốc BVTV. Theo cán bộ khuyến nông xã Mê Linh (huyện Mê Linh) xuống thăm những ruộng hoa tại thôn Hạ Lôi, Liễu Trì và Ấp Hạ, chúng tôi thấy ngột ngạt vì mùi thuốc trừ sâu. Bên cạnh những luống hoa hồng đủ màu sắc, vỏ thuốc BVTV vứt bừa bãi, cỏ hai bên cháy khô từng vệt.

Phun thuốc trừ sâu cho hoa ở xã Tây Tựu, Từ Liêm.



Mờ sáng, cánh đồng hoa Mê Linh đã đông người, dân làng hoa đang tất bật. Thân hình gầy còm, vừa xới đất dưới gốc hoa, anh Quách Quang Thắng (thôn Hạ Lôi) vừa nói: "Hiện đang là đợt "cao điểm" của người trồng hoa. Phải theo dõi từng nụ hoa để chăm sóc, phun thuốc cho hoa nở đúng dịp". Khi được hỏi sử dụng những loại thuốc gì, anh Thắng cười xòa rồi trả lời: "Trồng hoa phụ thuộc rất nhiều vào các loại thuốc. Cây bị bệnh gì thì có loại thuốc đặc trị đó, rất phong phú".

Định kỳ hằng tuần, người dân phải phun thuốc trừ sâu cho hoa hồng, dùng thuốc chống cháy lá cho các loài hoa khác hoặc tiêm trực tiếp thuốc lên cành để kích thích hoa phát triển hoặc giữ cho nụ không nở. Tất cả đều là "bí quyết" sử dụng thuốc của người trồng. Quanh luống hoa cúc, đồng tiền… chỗ nào cũng trắng bao bì các loại thuốc BVTV. Chúng tôi đếm thử, có đến 10 loại khác nhau, nguồn gốc Việt Nam có, Trung Quốc có, thậm chí cả những bao bì chẳng rõ từ đâu. Theo ông Nguyễn Văn Bảy, cán bộ khuyến nông, xã Mê Linh hiện có 250ha đất trồng trọt, trong đó 10ha trồng hành tây, bí xanh và 240ha đất trồng hoa hồng tập trung ở làng hoa Hạ Lôi, Liễu Trì và Ấp Hạ. Mỗi sào hoa hồng phải phun thuốc trừ sâu 3 lần/tháng, trung bình một tháng, phun 4,5 lít thuốc trừ sâu. Nếu tính 1 lít thuốc trừ sâu có trọng lượng khoảng 1kg thì 250ha hoa hồng và rau màu ở xã Mê Linh đã phải sử dụng quãng hơn…1 tấn. "Ðấy mới chỉ là thống kê của cán bộ khuyến nông chứ nông dân có chịu phun theo lịch đâu. Họ cứ thấy lúc nào cần là phun, không theo hướng dẫn, khó quản lý. Có hộ phun mỗi tuần 2-3 lần. Khi thấy cây không hết bệnh, người dân sẽ… "tăng liều" hoặc chuyển thuốc khác độc tính cao hơn" - ông Bảy than phiền.

Đến làng hoa Tây Tựu chúng tôi cũng thấy sặc mùi thuốc trừ sâu. Theo chị Chu Thị Nhung, hằng tuần chị đều phải phun thuốc trừ sâu cho hoa. "Làm nhiều cũng quen, chẳng mấy người mặc áo bảo hộ hay đeo găng tay, khẩu trang. Không dùng thuốc thì sao có hoa đẹp để bán" - chị Nhung thủng thẳng. Không chỉ có người trồng hoa, nhiều vùng rau màu, cây ăn quả, nông dân vẫn tùy tiện trong sử dụng thuốc BVTV. Thế mới có chuyện rau màu nhiễm chất kích thích, nhiều củ quả còn tồn dư hóa chất độc hại.

Hệ lụy và bài học quản lý

Theo PGS.TS Lê Văn Thiện, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV bừa bãi đang trở thành vấn nạn đáng báo động. Đơn cử, tại các vùng hoa Tây Tựu, Mê Linh, trước kia, để trừ nấm hại lá, nông dân sử dụng sunfat đồng. Nhưng giờ hóa chất này đắt nên họ chuyển sang dùng những loại chất độc hại tự pha chế khác, bán tràn lan trên thị trường. Hầu hết cỏ bên những luống hoa đều chết vàng do thuốc.

Nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam gần đây cho thấy, mỗi năm nước ta sử dụng từ 35.000 đến hơn 100.000 tấn hóa chất BVTV. Đối với người, nếu sử dụng không đúng cách, thuốc BVTV sẽ gây nhiễm độc cấp tính: Bỏng mắt, hủy hoại da, ảnh hưởng thần kinh, gan. Khi bị nhiễm độc mãn tính sẽ ảnh hưởng đến tủy xương (thiếu máu bất sản và loạn tạo máu); ảnh hưởng đến sinh sản (vô sinh ở nam, sảy thai, thai dị dạng...); gây độc thần kinh; ảnh hưởng đến cơ chế miễn dịch... Đối với môi trường xung quanh, thuốc BVTV có thể làm biến đổi thế cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái, gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Các thuốc trừ sâu tồn dư lâu, không bị phân hủy ở trong đất và trong nước có thể làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài. Con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu hằng ngày một cách gián tiếp, lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe.

Theo ông Nguyễn Tiến Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh, nông dân trồng hoa rất chủ quan trong lúc phun thuốc. Đặc biệt, mỗi khi mưa xuống, chỉ trong vài giờ là đồng ruộng thôn Hạ Lôi, Liễu Trì và Ấp Hạ lại vào cảnh bị ngập úng. Dư lượng thuốc BVTV một phần theo kênh mương chảy ngược vào làng, phần khác ngấm xuống lòng đất... Trong khi đó, xã Mê Linh có 2.700 hộ, 100% sử dụng nước giếng khoan. Song giếng của rất nhiều hộ khi bơm lên, nước ngả màu vàng và bốc mùi tanh nồng, rất khó chịu. Một số hộ dân ở thôn Hạ Lôi, Liễu Trì và Ấp Hạ liên tục gửi đơn lên xã, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào về điều tra tình hình bệnh tật và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tại đây.

Không riêng gì Tây Tựu, Mê Linh, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp Hà Nội đang bị "bức tử" bởi thuốc BVTV không rõ nguồn gốc. Vì thế, làng ung thư mọc lên ngày một nhiều. Khổ thay, việc kiểm tra, xử lý tại các địa phương chỉ như muối bỏ bể. Vì lợi ích kinh tế, nhiều nhà sản xuất sẵn sàng nhập nguyên liệu từ những nước có giá thành thấp, chất lượng kém, sau đó qua các khâu phân phối, sản phẩm đến tay người nông dân không qua kiểm định về chất lượng, thiếu thông tin hướng dẫn. Thị trường trôi nổi những loại thuốc độc hại cấm sử dụng, thuốc quá đát... Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng về môi trường Việt Nam, hàng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất do thuốc BVTV phải cấp cứu tại các bệnh viện và trên 300 trường hợp tử vong.

Đào Huyền - Bảo Nga