Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Chính trị - Ngày đăng : 07:24, 20/02/2013
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, kế thừa được các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, Dự thảo còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ. Trong đó, đại biểu tập trung thảo luận sâu về vai trò của Đảng, cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi; làm rõ hơn vấn đề Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, đồng thời khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam; phòng và chống những nguy cơ suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên…
Về vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được thể hiện trong Điều 9, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Phạm Xuân Hằng khẳng định, đây là một bước tiến, cần phải được quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, trong điều kiện hệ thống chính trị Việt Nam do một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng lãnh đạo. Khoản 3 của Điều 9 Dự thảo ghi "Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động" chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của MTTQ, dễ tạo cơ chế xin - cho, nên đề nghị sửa thành "Nhà nước có trách nhiệm để MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động".
Vấn đề về quyền con người, quyền công dân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Duy Quý cho rằng, Điều 21, trang 53 bổ sung "Mọi người có quyền sống" là chưa đủ, bởi ngoài quyền sống, mọi người có quyền được học tập, lao động, mưu cầu hạnh phúc. Phần 3, Điều 27 ghi "Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới" là chưa đủ, bởi không chỉ có cấm mọi hành vi phân biệt về giới mà phải có cả màu da, dân tộc…