Tìm cách hóa giải tai nạn giao thông
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:06, 20/02/2013
Trước đây, người ta còn tranh cãi rằng mật độ phương tiện dày đặc trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển là nguyên nhân xảy ra ngày càng nhiều tai nạn, từ đó đi đến hạn chế nhập xe máy, xe ô tô bằng việc dựng lên các rào cản hành chính, thậm chí tăng phí để hạn chế ô tô, xe máy ra đường. Tết này cho kết quả ngược lại. Càng vùng nông thôn thưa vắng, càng những đoạn đường tốt, tai nạn càng nhiều. Theo thống kê của Ủy ban ATGTQG, trên 70% số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở vùng nông thôn, ít xe cộ qua lại, nhiều vụ thương tâm như một chiếc xe tải chở rau từ Đà Lạt về TP Hồ Chí Minh, khi xuống đèo Bảo Lộc đã nghiến nát 3 xe máy đang chở 8 người, làm chết tại chỗ 7 người, 1 người bị thương nặng đang cấp cứu chưa rõ sống hay chết. Sau khi gây tai nạn, chiếc xe tải lao xuống vực trong lúc đèo rất ít người qua lại.
Trước đây, người ta cho rằng vì ít CSGT, kiểm soát lơi lỏng, nên hiện tượng lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ xảy ra nhiều, tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông. Những ngày Tết chứng minh ngược lại, tai nạn xảy ra không phân biệt nơi có nhiều hay ít CSGT. Trong mấy ngày Tết, nhất là ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nạn ùn tắc giao thông giảm hẳn, số vụ tai nạn, số người chết và bị thương cũng giảm, ngay cả trong những ngày đông xe cộ.
Vậy vì sao? Theo thống kê của Ủy ban ATGTQG, mấy ngày Tết Nguyên đán, tai nạn giao thông giảm hẳn nhưng những ngày sau đó tăng đột biến. Trong 3 ngày 29 (lấy làm 30) và hai ngày mùng một và mùng hai Tết, tai nạn làm chết 38 người, bị thương 49 người, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương. Nhưng chỉ 3 ngày sau, số thiệt hại đã là 234 người chết, 284 người bị thương và thêm 3 ngày nữa, tức là trong 9 ngày nghỉ Tết, số người chết đã tăng lên trên 300 và gần 400 người bị thương, chưa kể tài sản, phương tiện bị phá hủy, mất mát. Nguyên nhân của hầu hết vụ tai nạn (80% ở thành thị và 95% ở nông thôn) là do đi chúc Tết, dự hội hè, du xuân mà không có ý thức phòng tránh tai nạn; uống rượu bia say; không đội mũ bảo hiểm; đèo quá 2 người một xe; đua xe lạng lách trên đường. Tóm lại, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là do người dân thiếu ý thức chấp hành các quy định về pháp luật giao thông.
Những nguyên nhân ấy đều không mới, đã ngăn chặn nhiều, đã tích cực giáo dục nhưng có lẽ chưa đến độ, chưa đủ kiên trì, có nhiều lúc lơi lỏng nên kết quả chưa chuyển biến được bao nhiêu. Kinh nghiệm từ Nhật Bản, phải 20 năm mới đưa vào nền nếp việc thấy đèn đỏ, dù đường vắng người ta cũng tự giác dừng lại. Kinh nghiệm từ Thái Lan, phải 10 năm, việc đội mũ bảo hiểm mới trở thành thói quen của người dân. Kinh nghiệm từ Pháp, sau nhiều năm giáo dục kiên trì, có năm không còn người tỉnh táo nào phóng xe quá tốc độ cho phép. Từ kinh nghiệm của các nước đó và của nhiều nước khác, muốn giảm tai nạn giao thông bền vững, giáo dục phải là biện pháp hàng đầu. Luật pháp, mức phạt là cần nhưng giáo dục ý thức, trình độ dân trí cho người tham gia giao thông, trở thành một chuẩn mực đạo đức cũng quan trọng không kém.