Sửa đổi Hiến pháp nghĩ về Tuyên ngôn độc lập
Chính trị - Ngày đăng : 07:50, 19/02/2013
Bản Tuyên ngôn đã thể hiện mục tiêu và nguyện ước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là "Nước Việt Nam độc lập" theo chế độ "Dân chủ cộng hòa" - một nhà nước do nhân dân làm chủ. Quan điểm này thật đúng đắn, phù hợp chân lý: "Dân là gốc của nước", "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" của cha ông ta xưa, nguồn gốc tạo nên sức mạnh vô địch trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Về bản chất thì "Chế độ dân chủ cộng hòa", một thể chế được ghi nhận là ưu việt, bảo đảm sự bình đẳng của mọi người, mọi công dân khi tham gia vào công việc chung của nhà nước.
Với tinh thần và định hướng của bản "Tuyên ngôn độc lập", trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, vận nước lúc bấy giờ như nghìn cân treo sợi tóc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9-11-1946, Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta. Tại Điều 1 Hiến pháp năm 1946 khẳng định: "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". Điều 32 Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: "Những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết".
Thấm nhuần những quan điểm pháp lý sâu sắc của bản "Tuyên ngôn độc lập", những năm tháng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, mọi công việc đã được thực hiện theo đúng những chủ trương, định hướng lớn: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy".
Sự thật là trong suốt quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quan điểm pháp lý sâu sắc, khởi nguồn từ "Tuyên ngôn độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân đã giúp cho Đảng ta, quân và dân ta giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, là biểu tượng, tấm gương đối với các quốc gia, các dân tộc đang bị áp bức trên thế giới về sự anh dũng kiên cường, quyết tâm giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Từ năm 1946 đến nay, nước ta đã 4 lần xây dựng, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước. Có thể nói tư tưởng về xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân được nêu trong bản "Tuyên ngôn độc lập" chính là nội dung cơ bản xuyên suốt của Hiến pháp. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ được coi là nguyên tắc chủ đạo trong Hiến pháp. Ngày nay, trong bối cảnh quốc tế, khu vực đang có những diễn biến phức tạp, quá trình tiếp tục hội nhập quốc tế, đổi mới để hoàn thiện và phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những đòi hỏi, thách thức rất lớn, việc phải xem xét sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 để có một bản Hiến pháp phù hợp là một tất yếu.
Một lần nữa, bản "Tuyên ngôn độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những áng văn hào hùng, lời lẽ đanh thép, giản dị mà chặt chẽ lại vang vọng từ trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam yêu nước, thương nòi. Bản "Tuyên ngôn độc lập" lại được coi là căn cứ pháp lý đầu tiên, quan trọng nhất, cơ sở, nền móng nhận thức đầy đủ về chủ quyền quốc gia, dân tộc; từ đó quyết tâm xây dựng, bảo vệ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì mục tiêu phấn đấu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.