Pakistan: Bùng nổ xung đột tôn giáo
Thế giới - Ngày đăng : 07:39, 19/02/2013
Ngay lập tức tổ chức Hồi giáo cực đoan Lashkar-e-Jhangvi (LeJ) đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom với tuyên bố là nhằm vào cộng đồng người Shiite. Hành động không cần "úp mở" của nhóm vũ trang được các cơ quan an ninh Pakistan xem là mối đe dọa lớn nhất không gây ngạc nhiên bởi chính LeJ cũng đứng sau hai vụ tấn công đẫm máu hồi tháng 1, khoét sâu thêm mối thù địch giáo phái vốn đã rất nặng nề tại quốc gia Nam Á trong nhiều thập kỷ qua.
Vụ đánh bom tại Quetta đã gây chấn động Pakistan. |
Có tới gần 80% dân số là người Sunni trong khi chỉ 20% theo dòng Shiite, chủ yếu sống tại khu vực Tây bắc, thế nhưng xung đột tôn giáo đã tồn tại dai dẳng ở Pakistan như một hiểm họa đe dọa sự ổn định của một trong những miền đất Hồi giáo cổ xưa của thế giới. Quá trình xây dựng đất nước theo những nguyên tắc Hồi giáo - với sự ảnh hưởng của người Sunni chiếm đa số tại Pakistan - cũng là khoảng thời gian đất nước 170 triệu dân này chứng kiến sự chia rẽ giáo phái mạnh mẽ. Trong đó, sự chung sống bất hòa giữa cộng đồng Sunni và qua các làn sóng bạo lực như một khẳng định khác biệt về giáo lý, cũng như trên các diễn đàn chính trị. Từng bị đẩy đến cao điểm vào những năm 1997-1998, sự hiềm khích giữa hai cộng đồng - cùng chia sẻ niềm tin vĩnh hằng là sự duy nhất của Thánh Allah và hướng về thánh địa Mecca nhưng lại khác biệt về học thuyết, lễ nghi, luật lệ, tín ngưỡng và tổ chức tôn giáo - chưa bao giờ lắng dịu. Vì thế, ngọn lửa xung đột tôn giáo tại Pakistan luôn âm ỉ và sẵn sàng bùng cháy dữ dội. Sự nguy hiểm còn nằm ở chỗ, xuất phát từ những phức tạp an ninh ở quốc gia Nam Á khi mối bất hòa giữa những người theo hai dòng Hồi giáo chính thống bị lợi dụng theo xu hướng cực đoan của những phần tử vũ trang nhằm trục lợi quyền lực bằng sự bất ổn cả về chính trị và xã hội tại Pakistan.
Và, không nằm ngoài dự đoán, hàng ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp Pakistan, từ Đông Lahore đến Multan và Muzaffarabad trong những giờ qua, nhằm thể hiện sự căm phẫn trước tội ác man rợ cũng như yêu cầu chính quyền có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ những người Shiite. Áp lực xã hội lại thêm một lần đè nặng lên Islamabad khi cuộc tổng tuyển cử đang đến gần để đánh dấu sự chuyển giao chính trị quan trọng ở quốc gia Nam Á. Không bao giờ được xác nhận, nhưng những gì đã xảy ra cho thấy, mỗi khi Pakistan chuẩn bị đón một sự kiện quan trọng của đất nước thì cũng là lúc các vụ bạo lực sắc tộc, tôn giáo lại bùng phát. Do đó, dư luận khu vực có lý khi tin rằng, thảm kịch Quetta hôm 16-2, là một "lá bài" chính trị đẫm máu của các lực lượng Hồi giáo cực đoan nhằm gây chia rẽ dân tộc cũng như phá hoại tiến trình củng cố và hoàn thiện thể chế dân chủ tại Pakistan.
Cũng chưa có gì bảo đảm được rằng, những vụ tấn công mang màu sắc tôn giáo ở quốc gia Nam Á không có bàn tay của những kẻ khủng bố quốc tế. Lực lượng an ninh Pakistan đã tìm thấy ở chính quốc gia Nam Á này một thiên đường ẩn náu của các phần tử Hồi giáo cực đoan sau các chiến dịch truy quét của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Đây là một thử thách an ninh nghiêm trọng với Islamabad trong bối cảnh Pakistan đã được Mỹ và phương Tây "chọn mặt gửi vàng" trong cuộc chiến chống khủng bố.
Do vậy, những gánh nặng liên tiếp đang đặt Pakistan vào thế khó khăn khi vừa phải cân bằng giữa các chính sách chống khủng bố để đổi lấy hàng tỷ USD viện trợ mỗi năm và việc ứng phó với sự gia tăng của các hành động bạo lực ở nhiều cấp độ như một sự trả đũa của các phần tử vũ trang cho thái độ thân phương Tây của Islamabad. Con số gần 200 người thiệt mạng vì các vụ tấn công giáo phái tại Pakistan từ đầu năm đến nay, so với hơn 400 người trong cả năm 2012 cho thấy quốc gia Nam Á có thể lại phải đối mặt với làn sóng xung đột tôn giáo mới, đe dọa sự ổn định không chỉ của đất nước bên bờ Ấn Độ Dương mà còn với cả khu vực chưa thoát khỏi những hố sâu ngăn cách giàu nghèo.