Điện gió ở đảo Phú Quý

Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 18/02/2013

(HNM) - Chính phủ đã cho phép đầu tư Nhà máy Phong điện ở đảo, liên kết với nguồn diesel hiện hữu để đáp ứng các mục tiêu phát triển KT-XH trên đảo.



Để đáp ứng nhu cầu về điện của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế và giữ vững an ninh - quốc phòng, năm 1998 Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhà máy diesel công suất 3MW và hệ thống lưới điện 22kV trên đảo, song thời gian phát điện chỉ đạt 16 giờ/ngày, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng. Với mong muốn tìm nguồn năng lượng khác có giá thành thấp và ổn định hơn để cung cấp điện cho đảo Phú Quý, Chính phủ đã cho phép đầu tư Nhà máy Phong điện ở đảo, liên kết với nguồn diesel hiện hữu để đáp ứng các mục tiêu phát triển KT-XH trên đảo.

Nguồn điện gió trên đảo Phú Quý.


Sau khi nghiên cứu tính khả thi của dự án, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã lựa chọn đầu tư xây dựng Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý tại khu vực xã Long Hải và Ngũ Phụng (phía bắc đảo Phú Quý) với công suất 6MW. Dự kiến, hằng năm sẽ cung cấp hệ thống điện trên đảo khoảng 25,4 triệu kWh. Đồng bộ với nhà máy, cải tạo đường dây 1 pha hiện hữu thành 3 pha và xây dựng mới một đường dây 3 pha, hoàn chỉnh mạch vòng lưới điện 22kV cho toàn đảo. Tuy nhiên, đây là mô hình đầu tiên trên thế giới vận hành hỗn hợp giữa hai hệ thống gió - diesel với tỷ lệ công suất gió/diesel là 6MW/3MW. Thông thường, trên thế giới cũng có một số dự án hỗn hợp gió - diesel tương tự với tỷ lệ tổng công suất diesel thường cao hơn tổng công suất tuabin gió, nhưng ở đây tổng công suất tuabin gió gấp hai lần diesel. Vì vậy, vận hành hệ thống hỗn hợp này rất phức tạp, đòi hỏi các vận hành viên phải rất tập trung, thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phối hợp đã phê duyệt.

Thực tế đã xuất hiện rất nhiều khó khăn do đặc thù của tuabin phát điện có đầu vào là gió, dẫn đến vận hành không chủ động được hoàn toàn mà phụ thuộc vào thiên nhiên, tỷ lệ công suất gió/diesel là 50/50 đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng của nhà máy; có những thời điểm gió cao không tận dụng tối đa công suất của các tổ máy. Hệ thống điều khiển hỗn hợp gió - diesel đang được các bên theo dõi trong quá trình vận hành để có số liệu thực hiện từng bước điều chỉnh tỷ lệ gió/diesel cho phù hợp với phụ tải nhằm phát huy tối đa hiệu suất tuabin gió. Do khó khăn về công tác đấu nối ổn định lưới nên hiện nay tỷ trọng phát điện gió so với diesel vẫn còn ở mức thấp, điện gió phát ra chỉ chiếm khoảng 30% sản lượng điện trên đảo. Với tỷ trọng phát điện ở mức thấp, nếu đầu tư thêm hệ thống ổn định lưới điện gió - diesel sẽ đẩy giá thành phát điện tăng cao. Điều này chưa đúng với mục tiêu xây dựng ban đầu của dự án. Theo kế hoạch, PVN tiếp tục đầu tư dự án điện gió ở Hòa Thắng, Thuận Bắc… Hy vọng PVN sẽ rút ra những kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng như ở dự án Phong điện đảo Phú Quý.

Thanh Mai