Nhìn từ thành công của HPE
Kinh tế - Ngày đăng : 06:19, 18/02/2013
Năm 1999, Xí nghiệp Điện tử chuyên dụng Hanel được cổ phần hóa theo chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có quy mô vừa và nhỏ. Đây thực sự là động lực cho sự phát triển của đơn vị. Việc hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội giao thương, giúp các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, tiếp nhận, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại vào việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm khoa học kỹ thuật và sản xuất công nông nghiệp. Tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, HPE đã vượt qua những khó khăn chung của thị trường để khẳng định vị thế vững chắc trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cung cấp các thiết bị công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm có trình độ khoa học kỹ thuật, có khả năng thay thế thiết bị ngoại nhập phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Với đặc thù hoạt động về thiết bị điện tử chuyên dụng, HPE đã có nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống xã hội như: Công trình thiết kế, chế tạo, sản xuất "thiết bị đo và điều khiển nhiệt độ cho tủ khí hậu", cung cấp, chuyển giao công nghệ "thiết bị đo độ ẩm nông, lâm sản" giúp nâng cao chất lượng bảo quản chế biến nông, lâm sản xuất khẩu, tăng giá trị nông, lâm sản xuất khẩu; sản xuất "thiết bị phòng học ngoại ngữ", "thiết bị điện tử số", "thiết bị điều khiển và giám sát hệ thống chiếu sáng đô thị sử dụng phương tiện truyền thông GPRS"… Sản phẩm của HPE thiết kế, sản xuất đạt chất lượng và chỉ tiêu kỹ thuật cao, có thể thay thế sản phẩm ngoại nhập và có giá thành thấp hơn 20-30%, tiết kiệm năng lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, là doanh nghiệp cung ứng nhiều thiết bị liên quan đến giáo dục, đào tạo nên HPE bị ảnh hưởng không nhỏ. Để vượt qua khó khăn, nâng cao khả năng cạnh tranh, Tổng Giám đốc Đỗ Bình Minh, cho biết: Trước hết, cần chọn sân chơi phù hợp, phải xác định đúng sản phẩm, dịch vụ chủ lực là thế mạnh của doanh nghiệp và hướng tới đối tượng khách hàng nào, phân đoạn thị trường nào? Tiếp đến, từng bước đầu tư tổ chức doanh nghiệp ngày càng mạnh hơn, có môi trường làm việc tốt… Đây luôn là bài toán khó với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ai giải quyết tốt hơn bài toán này, người đó sẽ thành công hơn trong môi trường cạnh tranh gay gắt hôm nay…
Sau những vất vả nỗ lực trong việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012, HPE tự tin đặt ra mục tiêu dài hạn sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp kinh tế có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến, trở thành Siêu thị giải pháp về Điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; tiếp tục thực hiện kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư chiều sâu vào nghiên cứu các thiết bị khoa học - công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm thu nhập bình quân người lao động năm sau tăng 20-25% so với năm trước. Phấn đấu duy trì doanh thu tăng trưởng 20-25%/năm, nộp ngân sách nhà nước tăng 20-25%/năm.
Hy vọng rằng trong năm mới 2013, được dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức, Hà Nội sẽ có nhiều doanh nghiệp như HPE biết chọn sân chơi phù hợp, xác định đúng sản phẩm chủ lực, đầu tư mạnh vào khoa học kỹ thuật, góp sức cùng Thủ đô vươn tới những thành công mới.
Mặc dù sau khi cổ phần hóa vào năm 1999, phần vốn nhà nước của HPE đã được hoàn trả cho cơ quan chủ quản là doanh nghiệp nhà nước, nhưng HPE vẫn giữ gìn, phát huy các hoạt động của tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Hoạt động của các tổ chức HPE luôn tuân thủ chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng - Chi bộ Đảng luôn đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh. Tổ chức công đoàn của HPE liên tục được công nhận là tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh trong suốt nhiều năm qua… |